Kể Chuyện Lịch Sử Việt Nam – Bút Nhọn Làm Gươm:
Thật ra thì cuộc đời và tác phẩm của danh nhân Vũ Phạm Khải lâu nay đã được biết đến nhiều. Trước Cách mạng tháng Tám, nhà văn Trúc Khê đã viết về ông. Từ năm 1972 đến nay, đã có nhiều cuộc kỷ niệm và hội thảo. Đa số các nhà nghiên cứu, bình luận trên các sách báo đã có những phát hiện và phân tích có giá trị về danh nhân họ Vũ. Như vậy cũng đã thoả đáng phần nào.
Nghĩ rằng những công lao ấy, nên được hệ thống hoá lại, để có được cái nhìn trọn vẹn, đỡ tản mạn hơn, một cuốn sách nhỏ theo dạng truyện ký danh nhân (có sử dụng cả bút pháp phân tích, bình luận) là cần thiết. Tập truyện này chỉ có mục đích đơn giản như vậy.
“Vùng đất Ninh Bình tuy nhỏ hẹp, nhưng là nơi có khá nhiều thắng cảnh, nhiều nhân vật lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam. “Nước non vui thú một yên hà, đất đai thanh bình cả bốn phương thiên hạ”, chính là nơi này. Hoa lư đã là một thủ đô đầu tiên của Đại Cồ Việt độc lập; Tam Điệp là “đất trời cho” (theo lời Ngô Thì Nhậm); Kim Sơn – Văn Hải tiêu biểu nhất cho sự nghiệp lấn biển lập làng trong lịch sử. Thật ít nơi có được những kỳ tích, kỳ công như vậy!
Những làng quê nhỏ bé yên lành trên đất Ninh Bình này cùng chung đặc điểm ấy. Có thể kể đến vùng đất như Yên Mô. Cả một huyện được đặt tên là huyện Yên Mô nữa: nào là Yên Mô Thượng, Yên Mô Hạ, Yên Mô Càn. Đất Yên Mô xưa có tên là Mô Độ, có thể được hình thành từ thời Lý – Trần. Xưa kia, nơi đây là chỗ Giản Định Đế (1407) lên ngôi để lập ra nhà Hậu Trần. Khi quân Minh xâm lược, mới lấy tên là Yên Mô. Có người cho rằng tên này là ghép từ hai địa danh Trường Yên và Mô Độ để thành một vùng quê tiếng tăm của đất Ninh Bình. Ở đây có nhiều núi, nhiều sông, mà lại sát bờ biển. Ngày trước, vùng này nằm trên cửa biển Thần Phù, hình thành nên ba dải cát lớn. Thời Hồng Đức, nhà Lê đã đắp con đê chạy qua rọc Sỏi đến quá rọc Đình, nên dân ở đây cứ tự hào là đất có hình chữ “Vương”. Có con đê Hồng Đức thời Lê Thánh Tông, lại gần con đê Hồng Lĩnh do Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Khản (quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cuối đời Lê xây đắp. Yên Mô cũng gần với Kim Sơn là đất khẩn hoang dưới sự trông nom của nhà kinh tế Nguyễn Công Trứ (cũng quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Kế nghiệp Nguyễn Công Trứ, có một người con của đất Ninh Bình cũng theo sự nghiệp này mà mở mang ra ấp Văn Hải. Người ấy là ai? Ta sẽ nói sau………”
Mục lục:
Lời nói đầu
Chương 1: Thần đồng núi voi
Chương 2: Quan ngự râu xồm
Chương 3: Bút nhọn làm gương
Chương 4: Trung hiếu nên người con trọn vẹn
Chương 5: Văn chương Mạc Đại ư thị
Chương 6: Phải cứu vị lão thần túc nho
Trước khi ngừng bút
Tài liệu tham khảo
Mời bạn đón đọc.