Kể Chuyện Lịch Sử Việt Nam – Bình Định Vương:
Sự nghiệp của Lê Lợi, sau này là vua Lê Thái Tổ, giành lại giang sơn từ tay giặc Minh hồi đầu thế kỷ XV đã được nhiều người viết. Sử sách ghi chép rất nhiều như: toàn thư, Lam Sơn thực lục. Hồi đầu thế kỷ XX, giới sử học của ta cũng rất quan tâm. Các giáo sư Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn đã có quyển khởi nghĩa Lam Sơn được nhiều người sử dụng.
Cuộc đời người anh hùng Lê Lợi rõ ràng là có hai giai đoạn khác nhau, giai đoạn là lãnh tụ khởi nghĩa và giai đoạn là vị hoàng đế. Có thể ôn lại từng chặng đường lịch sử riêng như vậy thì gây được ấn tượng hơn.
Nhưng nói về sự nghiệp “bình định” thì cũng gặp nhiều khó khăn. Quân ta từ khi trứng nước cho tới lúc trưởng thành, lúc ca khúc khải hoàn đã đánh nhau với địch hàng trăm trận, kể làm sao cho hết. Vả những trận đánh như vậy sử sách lại không thể chép kỹ. Tìm trong dã sử là việc khó khăn, không loại trừ nhiều sự trùng lặp và lẫn lộn. Vì vậy, cũng chỉ xin chọn lọc, điểm qua vài trận đánh lớn mà thôi. Điều cần làm nổi là làm sao cho sáng lên cái tên Bình Định Vương, như vậy mới là mục đích của cuốn sách này.
“Từ thị xã Thanh Hoá theo đường 17 ngược về phía Tây con đường Thanh Hoá – Bái Thượng, chạy qua các thôn xóm của Huyện Thiệu Hoá, vòng theo đê qua huyện lỵ Thọ Xuân đến phà Mục Sơn, đi vài cây số nữa là đến đất Lam Sơn. Lam Sơn thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá là nơi chôn rau cắt rốn của Lê Lợi, nhà lãnh tụ có công lao to lớn trong việc mở nền độc lập và xây dựng một vương triều dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Lam Sơn nay cũng là Lam Kinh, nơi còn giữ lai nhiều di tích, cung điện, đền đài, bia đá và lăng mộ của các vua triều Lê.
Đến nay vẫn chưa xác định được hai chữ Lam Sơn chính thức có từ bao giờ. Cả vùng đất rộng lớn ở đây từ cuối đời Trần được gọi là lộ, tức là lộ Khả Lam, cũng là nơi gọi là sách Lam. Tài liệu xưa nói rằng, khi lớn lên Lê Lợi đã “vi sách Lam phu đạo” nghĩa là làm phụ đạo ở sách Lam. Nhưng sách Lam hay lộ Khả Lam gồm từ đâu đến đâu? đó là một đơn vị tương đương với một làng xã, gồm nhiều thôn xóm bây giờ hay lớn hơn nữa? bây giờ người dân ở đây còn có câu thành ngữ “Nội Cham Ngoạ Chủa” – để chỉ quê hương Lê Lợi. Làng Cham là quê cha, tức xã Xuân Lam, làng Chủa là quê mẹ, nay là xã Xuân Thắng, cũng thuộc huyện Thọ Xuân.
Hương Lam Sơn lúc bấy giờ thuộc huyện Lương Giang, và Thanh Hoá là một phủ. Hồi ấy cứ dân làng Lam Sơn thuộc thành phần dân tộc nào không rõ, cứ như ngày nay thĩ xã Xuân Lam vẫn chỉ là một làng thuộc huyện vùng xuôi mà sát cạnh thì các xã Kiến Thọ, Phúc Thịnh, Nguyệt Ấn là những làng Mường thuộc huyện Ngọc Lặc. Xa xa về phía Tây là đất huyện Thường Xuân, địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Thái…”.
Mời bạn đón đọc.