Cuộc đời ‘Lật tàu’ của Anna Nicole Smith Tình dục, ma túy, tiền bạc, vẻ đẹp khêu gợi là ‘đường ray’ mà cô gái quê Texas lập nên trên ‘chuyến tàu’ đến với danh vọng. Hành trình của cô dừng vĩnh viễn ở tuổi 39 vì đường ray đã trật.
Cuốn sách Lật tàu kể về cuộc đời và cái chết của người mẫu Anna Nicole Smith, được viết theo lời kể của Donna Hogan, người em gái cùng cha khác mẹ với cô, nhà văn Henriette Tiefenthaler chấp bút.
Sách viết về Anna Nicole Smith từ khi còn bé với tên thật là Vickie Lynn Hogan đến khi cô trở thành một thiếu nữ đầy tham vọng. Chỉ học đến lớp 10, cô “khởi nghiệp” với nghề tiếp viên quán bia, thu ngân và sau đó là vũ nữ thoát y trong một quán bar. Lật tàu còn có những trang nhật ký lần đầu tiên được công bố của Anna Nicole Smith, nhiều dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của một nhân vật được truyền thông Mỹ và thế giới quan tâm nhiều trong một thời gian khá dài. Sự kiện trọng đại nhất với cuộc đời của Anna Nicole Smith chính là “đám cưới cổ tích” với trùm dầu lửa J.Howard Marshall II. Một người mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với toàn bộ lịch sử của ngành công nghiệp dầu mỏ. Một trong những doanh nhân tay trắng làm nên, góp phần vào xây dựng và phát triển một nước Mỹ hiện đại. J.Howard Marshall II từng tốt nghiệp nhiều đại học và cả trường luật Yale, một đại học hàng đầu ở Mỹ. Trước khi đến với Anna Nicole Smith, Marshall trải qua hai đời vợ, đều là những người phụ nữ thuộc tầng lớp học thức, ngoan đạo. Ông còn từng rơi vào “lưới tình” với một cô vũ nữ thoát y trước khi cô này chết vì tai biến trong cuộc giải phẩu thẩm mỹ. Thế nhưng, ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, khi gặp Anna, tỷ phú dầu mỏ đắm đuối đến nỗi theo lời ông: “Những người đang yêu thường làm những việc ngu ngốc và chắc chắn là tôi cũng phạm nhiều tội lỗi”. Marshall làm mọi cách để được gần gũi, ôm ấp người đẹp tuổi hai mươi, mang bộ ngực được ví “to bằng cả bang Texas” nhờ giải phẫu thẩm mỹ. Sức trẻ, vẻ khêu gợi của Anna Nicole Smith khiến ông lão luôn muốn bên cạnh cô. “Ông ấy muốn tôi hạnh phúc và ước muốn của tôi là mệnh lệnh với ông ấy”, đó là lời Anna nói về Marshall. Rốt cuộc, sau ba năm ông lão theo đuổi, cô gái chấp nhận lời cầu hôn phủ đầy tiền với người hơn mình đến 63 tuổi. Sau đó là một cuộc sống hôn nhân tạm bợ, những mưu toan sửa đổi di chúc, chiếm đoạt tài sản dẫn đến cuộc chiến pháp lý dai dẳng giữa cô vợ trẻ và các con trước của người chồng già. Qua lời kể của người em gái và các nhân chứng là bạn bè, người thân…, cuốn sách mang lại cho độc giả nhiều tình tiết hấp dẫn, phức tạp xoay quanh cuộc đời đình đám nhất tại xứ sở cờ hoa. Nhưng trên cả yếu tố giật gân, ly kỳ dày đặc, người đọc có thể hình dung được về vài khía cạnh trong mối quan hệ giữa người với người của xã hội hiện đại Mỹ; về giới truyền thông Mỹ; về một góc trong nền văn hóa giao tiếp trên đất nước này; và nhất là về những số phận thăng trầm, khúc khuỷu của cuộc đời con người. |