Đây là tuyển tập các bài viết, bài nghiên cứu, bài phê bình của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, người đã sáng lập và lãnh đạo Trường Viết Văn Nguyễn Du, đồng thời là chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung Tâm Minh Triết Việt. Để giới thiệu về tác phẩm này, xin mượn những lời tâm huyết của Giáo Sư Phạm Vĩnh Cư sau khi đọc xong tác phẩm:
"Dễ nhận ra một nét chung, hấp dẫn trong tất cả các bài viết của Hoàng Ngọc Hiến. Đó là sự nhạy cảm với cái mới, cái đột phá, cái đi đầu – bất cứ anh nhìn thấy nó ở đâu, trong văn chương nước nhà hay văn hóa, học thuật nước ngoài. Thời anh còn làm nghiên cứu sinh ở Nga, anh đã quan tâm đến những hiện tượng mới lạ trong văn học Xô Viết cùng thời như thơ Voznesensky. Ở trong nước, anh là người phát biểu đầu tiên về những tác giả trẻ nhiều hứa hẹn như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh. Anh xông vào lĩnh vực phức tạp, gây nhiều tranh cãi, như văn học Việt Nam hải ngoại. Nhiều năm nghiên cứu văn học Nga – Xô Viết, anh dày công dịch và giới thiệu Maiakovski – một nhân vật của lịch sử văn học thế giới mà về đường đời, đường sáng tác của ông có thể có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng về tài năng và những cống hiến của ông cho sự đổi mới ngôn ngữ thi ca thì không thể hồ nghi. Trong các học giả Pháp đương đại, anh Hiến làm được thật nhiều cho François Jullien bằng những bản dịch và bài giới thiệu của mình.
Có thể có ý kiến: việc làm này có sớm hay không trong khi, về tư tưởng triết học, chúng ta chưa tìm hiểu kỹ những triết gia phương Tây đi trước Jullien, cũng như trong lĩnh vực Trung Hoa học, chúng ta đã hiểu biết thấu đáo đâu về những cống hiến của những tiền khu của Jullien như Marcel Granet hay Henri Maspéro. Mà không thông hiểu những gì những người đi trước đã làm, khó nhận chân những sự phát hiện và lặp lại, những cái đúng và cái sai của người đi sau. Song có một điều hiển nhiên: những gì Hoàng Ngọc Hiến và những dịch giả khác ở ta đã làm cho François Jullien, phải được bổ sung bằng những công trình dịch thuật, diễn giải rất nhiều tác phẩm và tác giả phương Tây khác, thời nay cũng như trong quá khứ. Vô hình trung, anh Hiến đã giao cho chúng ta, những người đi cùng và sau anh, một nhiệm vụ nặng nề nhưng không thể không làm. Mọi con người xuất chúng đều phức tạp, Hoàng Ngọc Hiến không phải ngoại lệ. Cái phức tạp trong con người anh được nhân lên bởi thời đại rối ren phức tạp quá mức mà hàng triệu người Việt Nam ta đã và đang phải kinh qua. Tất cả cái đó không thể không đặt dấu ấn lên những gì anh đã viết. Nhưng anh mất còn quá gần đây để cho từng người chúng ta có thể thẩm định không sai sót những sản phẩm của ngòi bút ấy. Dĩ nhiên, ngay bây giờ bạn đọc không thiên vị đã có thể sơ bộ nhận ra trên những trang viết của anh chỗ nào anh anh minh, chỗ nào ngộ nhận, chỗ nào sắc bén, chỗ nào bồng bột, chỗ nào tâm huyết, chỗ nào xã giao và chỗ nào anh sách lược. Nhưng chỉ thời gian mới có thể xếp đặt mọi thứ vào chỗ của nó. Vô luận thế nào đi nữa thì những bài tiểu luận, phê bình của anh Hiến, mà nhiều bài được công bố lần đầu tiên, đều đáng được quan tâm học tập, tham cứu."
Mời bạn đón đọc.