Những nhân vật trong truyện của Dương Thụy (cô đã từng có nhiều truyện ngắn đăng trên Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Hoa Học Trò, Áo Trắng… và đã được xuất bản mấy đầu sách) thường đều ham học, chí tự lập cao, có tri thức và hoài bão, biết lẽ phải ở đời, thế nhưng luôn sống quá lý trí, hơi khô và có gì đó hơi… cổ hủ (nhân vật chính trong Đoạn tàu lý trí là một ví dụ) – khá lạ với một người từng ở nước ngoài lâu như vậy…
Thật đáng mừng khi cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 3 đã xuất hiện nhiều cây bút mới xuất thân từ tầng lớp trí thức trẻ, không chỉ tốt nghiệp đại học mà còn cao hơn, cả trong nước lẫn quốc tế.
Phù phiếm truyện của Phan Việt đang du học ở Mỹ và Hành trình của những người trẻ của thạc sĩ Dương Thụy từng học ở Pháp và Bỉ được trúng giải trong lần này là hai dẫn chứng.
Thực tế từ những ngày sống ở nước ngoài, và làm việc với các công ty nước ngoài ở Việt Nam, đã giúp hai tác giả trên góp được hai bức tranh có gam màu khác lạ vào gallery Văn học tuổi 20 lần này.
Đáng mừng, không chỉ vì cuộc thi như vậy đã thu hút rộng rãi hơn đối tượng tham dự (chúng tôi còn mong muốn sẽ có cả những cây bút Việt kiều tham dự và đoạt giải). Điều làm những người tổ chức cuộc thi vui hơn, chính là đã thấy văn học VN vẫn còn sức hấp dẫn lớn đối với công chúng, trong đó có cả những người trẻ từng tiếp xúc rất nhiều với văn hóa thế giới. Họ đã thừa sức hội nhập, nhưng họ vẫn giữ lại được bản sắc riêng của mình, của văn hóa Việt Nam, thể hiện rõ ràng qua các trang viết.
Những nhân vật trong truyện của Dương Thụy (cô đã từng có nhiều truyện ngắn đăng trên Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Hoa Học Trò, Áo Trắng… và đã được xuất bản mấy đầu sách) thường đều ham học, chí tự lập cao, có tri thức và hoài bão, biết lẽ phải ở đời, thế nhưng luôn sống quá lý trí, hơi khô và có gì đó hơi… cổ hủ (nhân vật chính trong Đoạn tàu lý trí là một ví dụ) – khá lạ với một người từng ở nước ngoài lâu như vậy.
Tôi thường ước ao phải chi Thụy sống mạnh bạo hơn, yêu thương ra trò hơn (dĩ nhiên là chỉ trên trang viết) thì có lẽ những tác phẩm của cô sẽ có sức thu hút nhiều hơn nữa (cũng là ví dụ với Bong bóng mùa mưa, sao chừng mực và lạnh quá vậy Thụy?).
Dù sao cũng có Người bạn vong niên đem an ủi cho tôi: hai nhân vật nữ trong truyện đã sống quá tình cảm, một tình cảm của con người, vượt qua các biên giới địa lý và văn hóa. Lý trí, nhưng cũng sống rất “tình củm”, phải vậy không?
Mừng cho Thụy vẫn còn viết rất đều và có dấu hiệu chắc tay hơn (Hành trình của những người trẻ là một điển hình). Đã đi qua Đoạn tàu lý trí, bạn hãy thử bước qua Đoạn tàu tình cảm, chắc rằng văn của bạn sẽ hấp dẫn hơn nhiều lắm!
NGUYỄN ĐÔNG THỨC