Xem sách hay

Giày Đỏ

Mua ở đâu?
Dương Bình Nguyên

Dương Bình Nguyên

Giày Đỏ:
“Giày đỏ của tôi, em ở đâu trong thành phố tám triệu con người?
Cuối cùng thì tôi cũng trở lại Sài Gòn. Từ nơi này, tôi đã mang về thành phố của mình biết bao ngày tháng, buồn đau. Mẹ tôi từng nói, tôi sẽ chết nếu một ngày tôi không còn nhắn tin cho ai đó nữa. với mẹ chỉ là một ai đó bất kỳ thôi. Nhưng với tôi, đó là một phần tháng năm máu thịt của tôi lẫn vào với máu thịt ai đó ở cuộc đời này. Thế mà một ngày tôi đã không còn nhắn tin. Và tôi không chết. Mẹ thật vui khi biết mẹ sai lầm.

Tôi sống với mẹ trong một khu chung cư nát bươm như phim của Châu Tinh Trì. Biết bao nhiêu cuộc đời thò thụt ở đó, vậy mà vẫn cứ ổn cả. Tôi nhìn chung cư Mỹ Đình lung linh ngay bên cạnh mà cũng không buồn đau lòmg để buông một đám ước mơ. Mẹ tôi nói tôi cầm tinh con dê già, ham chơi, mải vui, quên lo việc nhà. Tôi, một nhà báo quèn, viết báo có phần dễ dãi và ít chịu đi công tác, thích liên quan tới đám chân dài váy ngắn hơn là phóng sự điều tra. Thế nên lương đủ tiền cà phê hay lâu lâu nhảy múa, karaoke. Tôi không có nhiều nhu cầu. Tôi chỉ tích cóp tiền để mỗi năm đi Sài Gòn một lần. Để nhen nhóm một cảm giác bắt đầu lại và rồi vẫn thất trận trở về. Chúng ta đi hai con đường không giống nhau. Nhưng thử một lần quay lại trọn vẹn hơn, được không?.

Ba năm trước tôi nói với Phan rằng chúng ta sẽ không còn liên quan đến cuộc đời nhau nữa. Đã hết những tin nhắn dài hàng cây số. Đã hết những cuộc điện thoại chỉ để khóc cho nhau nghe. Hết cả mọi trò đùa và những lần cãi vã. Chúng tôi là hai nhánh sông, nhánh nào cũng quyết liệt, muốn thắng nhanh trên con đường đến biển. Bỗng một ngày Phan xuất hiện trên blog. Đã có tới chín tin nhắn Phan gửi qua blong kèm một đường link người ta viết về tôi. Nhưng tôi đã không đọc nó. Tôi đã tung tăng trong một chuyến đi dài ở một nơi Internet là câu chuyện ngụ ngôn. Chỉ đến khi mở ra thì những bức xúc dài ngày được nén thành ba chữ: Nguyên đấy à?

Tôi bật cười. Ừ, chân dung tôi đấy, tởm nhỉ? Phan không tin. Không tin, hỏi làm gì? Thì đọc đi, thì bực mình, thì khóc, thì hỏi vậy thôi… Tự dưng, nhìn những con chữ ấy, nghe những nỗi buồn ấy, lại muốn ôm cái nỗi buồn ấy…”.

Mục Lục:
Cải lạc loài
Sapa tuyết trắng xoá
Đi về miền ấm áp
Thiên di
Bản tin ba chiều
Miền đất hoa vàng
Như một tiếng chuông xa
Người đập áo sông Năng
Vĩnh biệt Huyền Trân
Thị trấn bốc cháy
Mắt mùa thu
Giày đỏ
Trái tim kiêu hãnh.

Mời bạn đón đọc.


Giày Đỏ

Giày đỏ
(Ngày 05/08/2007)
Giày đỏ của tôi, em ở đâu trong thành phố tám triệu con người?- Câu hỏi mà người đọc bắt gặp từ khi lần giở những trang đầu tiên cho đến khi gấp sách lại. Một mối tình day dứt đến khó tin của một bạn trẻ đang cuồng chân vì chạy theo nhịp sống hiện đại. Ừ, khó tin lắm chứ, khi mà điện thoại, Yahoo! Messenger… dần thay thế những cuộc viếng thăm, những bức thư thơm mùi mực… Có quá lời không khi nhân vật phải tự nhận: “Mẹ tôi từng nói, tôi sẽ chết nếu một ngày tôi không nhắn tin cho ai” (Giày đỏ)

Cơn lốc công nghệ khiến đời sống của người ta khô đi như thế. Như một cách cứu vãn, như một sự bấu víu, không gặp nhau, không tiễn nhau nơi phi trường, nhân vật “tôi” của Dương Bình Nguyên vẫn chờ đợi những mẩu SMS giản đơn với hai chữ “Bình yên”. Vậy mà vẫn biệt tăm…

Trong cái nhìn của một người Hà Nội, Sài Gòn “nóng đến mức nấm mốc cũng không sống được”, vì thế mà những kẻ tha hương không ít thì nhiều cảm thấy cô đơn. Không còn vòng tay chờ đợi, không còn ánh mắt nồng nàn của tình yêu, người ta về nơi chôn nhau cắt rốn, tìm lại yêu thương thơ ấu. Nhân vật bà Vịn trong Cải lạc loài là cội nguồn của yêu thương. Ở nhà bà, vùng đất chó ăn đá, gà ăn sỏi, có một mùa hoa cải vàng hanh hao, có khói bếp thơm nồng và có cả những ngọn roi quất vào mông đứa trẻ chưa ngoan trong thân hình một chàng trai 27 tuổi. Những thứ ấy, Sài Gòn hoa lệ hay Hà Nội cổ kính không bao giờ có được. Vậy mà, ngay cả trong không gian chứa đầy ắp tình thương của bà, hình ảnh của “giày đỏ” vẫn xuất hiện, len lỏi như một vết gai khó lẩy. Tình yêu, biết thế nào là đủ?

Có 13 truyện ngắn trong tập truyện, với lối kể chuyện rất riêng không dễ có, khi rời xa những ký ức về núi rừng, Giày đỏ của Dương Bình Nguyên giới thiệu với người đọc đời sống đô thị qua cách nhìn của một nhà báo ngày ngày tiếp xúc với các đại gia, “chân dài”… nhưng vẫn đau đáu tìm về những yêu thương. Đời sống còn ý nghĩa gì nếu thiếu những yêu thương?

Thanh Hiền

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Văn học trẻ – khát vọng lối đi riêng
(Thứ Tư, 26/03/2008)
Các tác phẩm của những người viết trẻ
Dù là phản ánh bức tranh cuộc sống hay một khoảng khuất riêng biệt, không ít nhà văn trẻ đang muốn nói tiếng nói riêng của mình với bạn đọc

Văn học trẻ đang sôi động khi hàng loạt cây bút trẻ đã định vị tác phẩm của mình trên kệ sách. Nhiều tác phẩm mới ra đời đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Góp phần tạo nên diện mạo cho dòng văn học trẻ hôm nay là những trang viết biết tạo ra một giọng điệu riêng.

Góc nhìn của người viết trẻ

Chọn đề tài về một nghề thời thượng – thiết kế thời trang, nhà văn Phan Hồn Nhiên đã chinh phục độc giả trẻ bằng truyện dài Công ty (NXB Trẻ, 2008). Trong vòng một tuần, Công ty đã được tái bản với số lượng 2.000 cuốn, bằng với số lượng phát hành lần đầu tiên. Làm nên sức hấp dẫn cho tác phẩm này là nhịp sống trẻ trung của các nhân vật trong truyện. Những trí thức trẻ bước vào đời tràn đầy nhiệt huyết và khát vọng, dám sống, dám làm. Họ trải qua nhiều biến cố trong đời để ngẫm ra giá trị của cuộc sống.

Phản ánh cuộc sống vẫn là cách các cây bút trẻ lựa chọn trong những tác phẩm của mình. Tập truyện ngắn Lũ đầu mùa (NXB Trẻ, tháng 12-2007) của Trương Anh Quốc là những khúc vọng của sóng, những ao ước của người lính biển và cả trăn trở về những thăng trầm phận người. Trương Anh Quốc gần như đã mang vào những trang viết tất cả mọi góc nhìn từ cuộc sống giữa trùng khơi của mình. Lũ đầu mùa mang dư vị mặn mà của biển, thể hiện một sức sống căng tràn giữa biển khơi. Và qua ngòi bút sẻ chia của Trương Anh Quốc, hình ảnh về một “gái nhảy tàu” hay những khao khát ẩn sâu trong lòng người lính cũng để lại những dư âm trong lòng người đọc.

Cây bút trẻ Hà Thanh Phúc cũng vừa định vị trên kệ sách hai tác phẩm Đi tìm hình cuộc sống (NXB Kim Đồng) và Đánh rơi buổi chiều (NXB Trẻ). Mỗi câu chuyện là một cận cảnh về cuộc sống cùng những suy nghĩ của tuổi trẻ. Trong khi đó, đề tài tình yêu của Trần Thu Trang cũng mang đến một sức sống khác. Những cảm giác tươi mới, tràn đầy hơi thở và ước vọng của tuổi trẻ trong những tác phẩm Phải lấy người như anh, Cocktail cho tình yêu, Nhật ký tình yêu (tác phẩm vừa được tái bản) của Trần Thu Trang cũng đã được các độc giả trẻ đón nhận.

Cây bút nữ Cấn Vân Khánh cũng mang đến một cung bậc khác trong tình yêu qua tác phẩm Người đàn ông có đôi mắt trong (vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành). Độc giả có thể thấy thấp thoáng hình ảnh mình qua nhân vật. Sự cam chịu, lặng lẽ và chờ đợi trong nỗi đau dai dẳng của nhân vật nữ; những dằn vặt, xót xa trong cảm giác tội lỗi và bất lực khi nhận ra bản chất thật của mình của nhân vật nam đưa người đọc đi vào một vòng quay của ngẫm suy. Người đàn ông có đôi mắt trong không tạo ra một cảm giác thư giãn, tĩnh tại mà buộc người đọc phải suy tư, ngẫm ngợi vì những khao khát, những dằn vặt trước cuộc đời.

Những giọng điệu riêng

Nhiều người viết không chấp nhận theo những gì đã có mà thể hiện khát vọng muốn tìm một lối đi khác. Có thể nói, Vũ Đình Giang là một trong những tác giả như thế. Giang luôn khiến người đọc phải nghĩ về những góc khuất của cuộc sống qua các tác phẩm Trên đất lạ, 16 m2, Vũ trụ câm… Tiểu thuyết Song song (vừa được NXB Văn Nghệ ấn hành) cũng không phải là một thử nghiệm mới về đề tài đồng tính mà là một bước đi dài và sâu hơn, nhiều day dứt hơn của Vũ Đình Giang. Những nhân vật H, G.g, Kan, P… giống như những con cá mắc cạn, ngụp lặn tìm đường thoát khỏi vũng lầy. Họ chỉ được sống cuộc đời thật của mình khi “mặt trời biến mất”. Còn ánh sáng chỉ là phương kế để họ sinh tồn. Hai mảng màu song hành cùng nhau.

Vũ Đình Giang lúc nào cũng khiến cho người đọc một cảm giác nghèn nghẹn, ray rứt ám ảnh trước những cảm xúc phẫn uất bủa vây của những thân phận dị biệt. Còn cây bút nữ 29 tuổi Phan Việt cũng khiến người xem ngỡ ngàng với tác phẩm Tiếng Người (NXB Trẻ, 2008). Ngỡ rằng Phan Việt cũng sa vào lối mòn của những câu chuyện tình yêu với đủ mọi cung bậc như vẫn thường thấy, nhưng Tiếng Người lại là những dằn vặt không thể ngờ.

Có nhiều thứ đến từ một thế giới rất xa và rất sâu, giống như thế giới cảm xúc của nhân vật Duy. “Khao khát và ham muốn như một tầng dưới của hạnh phúc, bất chấp hạnh phúc chứ không phải vì không có hạnh phúc”. Một nỗi đau hiện hữu dày đặc hơn bất cứ cảm giác nào khác trong cuộc sống hiện tại. Tâm lý của nhân vật trong Tiếng Người được Phan Việt phân tích sâu sắc. Người đọc càng lúc càng nhìn rõ dần những góc nội tâm của các nhân vật – của Người. Tình yêu luẩn quẩn trong tội lỗi và lối thoát chính là sự tha thứ. Kiểu nhân vật như trong Tiếng Người rất ít khi được các tác giả trẻ chạm đến. Bởi có khi sẽ không đủ sức khơi dậy và giải tỏa được nó. Tiếng Người của Phan Việt là một nỗi đau khác trong tình yêu mà cũng là một tiếng nói khác về hạnh phúc.

Trong khi đó, tác giả Dương Bình Nguyên lại chọn góc cuộc sống nơi miền sơn cước. Dễ dàng tìm thấy những trăn trở của tuổi trẻ trong các tập truyện Làng nhan sắc, Về lại thiên đường, Hoa ẩn hương, Giày đỏ (NXB Hội Nhà văn) của cây bút quê Thái Nguyên này; nhưng nổi bật hơn hết vẫn là bức tranh về đại ngàn, về giấc mơ của những con người miền đá núi. Đọc văn của Dương Bình Nguyên, người đọc chìm vào những gam màu của đêm, của nuối tiếc và day dứt nhưng cũng nhìn thấy một vệt sáng rọi vào mỗi bước đi. Tác giả có thể mở ra cho nhân vật một lối đi rất rộng, nhưng cũng có thể là đưa đến bờ vực rồi để cho nhân vật tự tìm thấy bầu trời.

Dù là phản ánh bức tranh cuộc sống hay một khoảng khuất riêng biệt thì mỗi người viết trẻ đều phải tìm một đề tài riêng và theo đuổi đề tài đó đến cùng. Có như thế mới tạo nên một diện mạo riêng cho các tác phẩm của mình mà cũng chính là góp một gam màu đặc trưng tô điểm cho bức tranh văn học trẻ.

Tiểu Quyên

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Toàn Cầu Hoá Và Những Mặt Trái
Để toàn cầu hóa mang khuôn mặt con người
(Thứ Sáu, 23/05/2008)

<IMG class=lImage o

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


 
Mua ở đâu?