Giang San Nhà Chồng xoay quanh nhân vật chính tên Thanh không may mất cha. Mẹ Thanh, không học thức, không nghề nghiệp, đành bước thêm bước nữa với ông phán và nương tựa vào ông mà sống. Khi Thanh lớn lên và trở thành một thiếu nữ xinh đẹp thì ông cha dượng lộ mặt là kẻ háo sắc, không cho cô đi học nữa, buộc cô ở nhà và âm mưu giở trò đồi bại. Bị Thanh phản ứng quyết liệt và biết Thanh tìm cách lập gia đình để thoát khỏi tay ông, ông đã bày mưu tách hai người ra và trả thù cô bằng cách gả cô cho một người đồng nghiệp lớn tuổi đã hai lần đổ vỡ vì có cha mẹ và cô em là địa chủ dưới quê quá khó khăn và hung dữ. Sống đúng với tinh thần “Có con phải khổ vì con, Có chồng phải gánh giang san nhà chồng”, Thanh về Bạc Liêu làm dâu trong khi chồng vẫn đi làm ở Sài Gòn. Đó là những ngày gian khổ và cay đắng. Nhưng với sự nhẫn nại vô biên, lòng chân thành nên Thanh đã cảm hoá được gia đình chồng, biến thành gia đình mình và thực sự có hạnh phúc.
Thông điệp mà bà mang đến cho bạn đọc rất mới mẻ: phụ nữ phải có học, phải có nghề nghiệp bình đẳng với nam giới thì mới mong tìm được hạnh phúc cho mình, tuy nhiên nếu chưa đạt được điều đó thì với sự hiền dịu, nhẫn nại, khéo léo và nhân cách sống tốt đẹp, người phụ nữ vẫn có thể kiến tạo được hạnh phúc cho gia đình. Điều này, tới nay vẫn chưa phải là đã cũ.
* * * * *
Bà Tùng Long là một nhà văn nữ nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975 với các tiểu thuyết tâm lý xã hội. Phần lớn các tác phẩm của bà đề cập đến thân phận người phụ nữ, ca ngợi tình yêu. Trong tập hồi ký được Công ty Sách Phương Nam xuất bản cuối năm 2014, Bà Tùng Long kể một chi tiết cho thấy quan điểm sáng tác của bà. Một lần bà dự buổi nói chuyện về văn chương. Một cậu sinh viên trẻ đứng lên chê tiểu thuyết của bà và một số tác giả khác là nhảm nhí. Bà Tùng Long đáp: “Tôi không có khả năng để viết những loại sách cao siêu… Tôi có đọc một đoạn văn trên một tờ báo Pháp, thấy có nhà văn nào đó tuyên bố rằng: ‘Nếu tôi có một ngai vàng thì tôi sẵn sàng đổi nó để tìm hiểu tâm lý phụ nữ’. Như thế thì tôi, một phụ nữ, tại sao lại không viết để nói lên tâm lý của phụ nữ? Vì tôi đã trải qua thời kỳ niên thiếu dưới mái ấm gia đình của cha mẹ, bên các em thân yêu, tôi từng là một thiếu nữ, tôi hiểu những ước muốn, những buồn vui của giới thiếu nữ, của tuổi mới lớn. Tôi từng là một người vợ, một người mẹ. Tôi hiểu tâm sự của một người vợ khi gặp cảnh ngộ ngang trái, khi sống hạnh phúc, khi nuôi dạy con… Tôi muốn nói lên tâm lý của phụ nữ vì tôi là một phụ nữ…”
Mời bạn đón đọc.