Kiệt tác văn chương bao giờ cũng hàm ẩn một khả năng đối thoại, một cấu trúc mở và bao hàm trong nó tính vừa cụ thể rõ ràng vừa luôn là ẩn số đa tầng, phức hợp, không dễ một lần khai thác hết. Xét từ góc độ này, văn chương chân chính mãi mãi là một thách thức lớn đối với người đọc và đặc biệt là với người nghiên cứu.
Trong quá trình phát triển văn học, chúng ta thấy sự phân hóa ngày càng lớn giữa tác phẩm hay và việc dễ đọc. Nếu từ thế kỷ XIX trở về trước, một tác phẩm được xem là nổi tiếng thường gắn với việc đọc rộng rãi của công chúng thì từ thế kỷ XX hiện tượng này diễn ra theo chiều ngược lại. Tác phẩm hay không đòi hỏi phải đáp ứng mặt bằng thị hiếu chung của số đông. Từ đó vai trò phê bình văn học ngày càng được xem trọng. Nó gợi mở, định hướng tích cực cho việc đọc tác phẩm. Tuy nhiên, sự nở rộ của vô vàn trường phái phê bình văn học thế kỷ XX vừa cho thấy tính cấp thiết nhưng cũng vừa cho thấy những hạn chế của nó.
Chính vì thế cuốn sách "Giải phẫu văn chương trong nhà trường" xuất hiện. Nó không tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tiếp cận tác phẩm của bất kỳ một trường phái văn học nào mà là sự kết hợp nhiều thao tác tiếp cận khác nhau, tập trung khai thác một đặc trưng riêng của tác phẩm, hoặc là mã ngôn ngữ hoặc là mã hình tường, chủ đề… qua đó cố gắng làm sáng tỏ diện mạo độc đáo duy nhất của tác phẩm, tác giả.
Cấu trúc mỗi bài viết gồm ba phần :
1. Sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của tác giả
2. Tóm tắt tác phẩm (nếu là tiểu thuyết, kịch) hoặc in lại văn bản (nếu là thơ)
3. Giải phẫu tác phẩm