20 tuổi, Lưu Quang Minh đã kịp có một "gia tài" văn chương của riêng mình. 20 truyện ngắn đầu tay đã in rải rác của anh nay được tập hợp lại trong tập truyện "Gia tài tuổi hai mươi" do NXB Văn học ấn hành.
Như một lời tự bạch ở ngay nhan đề tập truyện, người viết mới bước vào tuổi 20, vậy mà đọc truyện ngắn của anh, người ta thật ngạc nhiên ở sự già dặn, sâu sắc với những dằn vặt, trăn trở về cuộc sống. Đọc trọn vẹn "Gia tài tuổi hai mươi" của Lưu Quang Minh, tôi nhận ra anh là một người cả nghĩ. Những ngẫm ngợi, âu lo rồi có cả sự xót xa trong những tiếng thở dài cứ đầy ăm ắp trong mỗi truyện ngắn. Chất "cả nghĩ" ở một người viết trẻ như anh thực đã quá hiếm hoi trong đời sống văn chương bây giờ. Truyện ngắn Lưu Quang Minh khiến người đọc thảng thốt nhận ra mình cũng chỉ đang đứng đâu đó ở một góc thành phố nhỏ bé và đơn độc. Nhưng có lẽ điều đáng trân trọng nhất ở anh là loạt truyện ngắn đầy dằn vặt về cuộc sống của những con người lầm lũi ngày đêm dưới "Những ô cửa sáng đèn", mà ở đó ánh sáng của thành phố không bao giờ hắt tới. Và Lưu Quang Minh đã để những nhân vật của anh sưởi ấm cho nhau bằng một thứ ánh sáng lung linh hơn gấp bội phần. Kết thúc mỗi câu chuyện, có thể là tiếng cười hạnh phúc của đứa bé bán hủ tiếu đêm, có thể là những giọt nước mắt rơi trên xác chết đã lạnh cứng của con mèo đen, của con thỏ Ragu, nhưng Lưu Quang Minh bằng cách của mình, đều thổi được vào đằng sau tất cả một cảm giác ấm áp của lòng nhân ái.
Rất dễ nhận thấy trong những truyện ngắn "Cô đơn trên mạng", "Con mèo đen", "Đàn ông đi chợ", "Thỏ Ragu"… một Lưu Quang Minh chất chứa nỗi cô đơn thường trực, nỗi cô đơn của con người trong thành phố hiện đại. Ở mỗi một truyện ngắn của mình, tác giả lại có một cách xử lý tình huống khác nhau. "Cô đơn trên mạng" là một truyện ngắn khá điển hình. Trong nỗi cô đơn, một cô gái chỉ còn biết bấu víu vào thế giới mạng. Những dòng entry đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của một blogger trên thế giới ảo chỉ vẻn vẹn: "Tôi cô đơn, cô đơn hơn hết thảy mọi sinh linh từng tồn tại. Mỗi ngày tôi đi học về và chui vào góc tối nhất trong căn phòng mình. Hết sức lẻ loi và trơ trọi. Đôi khi tôi tự hỏi mình sinh ra để làm gì?". Cô gái đã tuyệt vọng với thế giới mà cô đang sống. Cũng chỉ trong thế giới ảo, cô mới tìm thấy sự đồng cảm. Nếu truyện chỉ kết thúc ở đó, bi kịch hẳn sẽ được đẩy lên cao nhất. Thế nhưng, Lưu Quang Minh nhất định bằng mọi cách đã đưa được cô bé về với cuộc sống thực cô mỉm cười nhận ra rằng: "Em hiểu dù là ảo hay thực, trong thế giới nào cũng cần lắm những con người có tình yêu thương và biết cuộc sống để yêu thương".
Đọc hai mươi truyện ngắn trong tập truyện “Gia tài tuổi hai mươi” của cây bút trẻ Lưu Quang Minh, chúng ta thấy một văn phong chững chạc của một người viết trẻ biết đào sâu vào đời sống bằng những rung cảm, âu lo và ngẫm ngợi có trách nhiệm của người cầm bút.
Nguyễn Anh Thế (Nguồn Vnexpress)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn