Được mệnh danh là “người chữa bệnh bằng văn chương”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc không chỉ là “người nhà” của Phương Nam với các ấn phẩm liên tiếp gần đây như: Thiền & Sức khoẻ, Ghi chép lang thang, Thư cho bé sơ sinh… mà còn rất thân quen với độc giả qua hàng loạt tác phẩm đã xuất bản: Gió heo may đã về, Già ơi… Chào bạn, Như ngàn thang thuốc bổ, Cành mai sân trước, Ăn vóc học hay, Thư gởi người bận rộn, Thấp thoáng lời kinh…
Với tác phẩm Già Sao Cho Sướng? Để Có Một Tuổi Già Hạnh Phúc, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã dùng cách viết dí dỏm để “chữa” thân bệnh, tâm bệnh cho các “bệnh nhân” ở tuổi xế chiều, “để có một tuổi già hạnh phúc”. Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh lão bệnh tử. Nhưng già vẫn có thể sướng. Muốn sống lâu thì phải già chớ sao! Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây.
Bác sĩ đã “bắt bệnh” cho người già với ba nỗi khổ thường gặp:
Một là thiếu bạn. Nhìn qua nhìn lại, bạn cứ rơi rụng dần…
Hai là thiếu… ăn. Không phải vì không có điều kiện ăn mà người già thường thích những món ăn kỳ cục, và phải lắng nghe mệnh lệnh của bao tử…
Ba là thiếu vận động! Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa!
Giải quyết được ba cái bệnh trên thì có thể nói già mà sướng.
Mời bạn đón đọc.