Đường Về
Năm 1993, tại Moskva, tôi nhìn thấy một cô gái trẻ có dáng vẻ thuần Việt. Nhưng rồi tôi thất vọng khi thấy cô cầm trong tay quyển hộ chiếu Hoa Kỳ và nói tiếng Anh rất chuẩn. Tôi hỏi bằng tiếng Nga là cô có nói được tiếng Nga không. Cô trả lời bằng tiếng Việt là cô chỉ nói được tiếng Anh và tiếng Việt. Đấy là điều khá thú vị đối với tôi. Nhưng thú vị hơn cả là cô cho biết cô từ Mỹ sang Nga để học đại học.
Cử chỉ, dáng điệu, giọng nói và mục đích của cô sang Nga ám ảnh tôi mãi. Năm 2002 tôi đặt bút viết tiểu thuyết "Đường về", trong đó có một tuyến nhân vật là Việt kiều sống ở Mỹ. Viết được mấy trang, tôi mới hiểu là mình chưa biết gì về cộng đồng người Việt sống ở Mỹ. Tôi xếp giấy bút lại.
Tháng 9 năm 2004, tôi sang Mỹ. 11 tháng sống và học tập bên đó, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại người và hiểu ra rất nhiều vấn đề. Tôi mở máy tính ra (trước khi sang Mỹ tôi mới mua máy tính xách tay và học cách sử dụng), tiếp tục viết "Đường về".
"Đường về" – Một cái tên sách hiền lành, giản dị nhưng nội dung sách lại chứa đựng bao biến cố dữ dội đối với nhiều số phận người Việt, cũng như đối với đất nước. Viết về người Việt ở Mỹ không thể không nói tới cuộc chiến tranh khốc liệt vừa qua. Nói tới chiến tranh, không thể không đề cập tới những người lính từ miền Bắc vào Nam để chiến đấu. Thế là sự kiện gọi sự kiện, số phận buộc với số phận, hình thành nên không gian, thời gian đủ để tái hiện hoàn cảnh của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam trong gần một thế kỷ qua.
Huỳnh Phước Ân Thi được sinh ra vào đêm 30/4/1975 trên biển trong một con tàu cũ kỹ. Má cô bị chết sau khi cô ra đời được hơn chục tiếng đồng hồ. Ba cô bế cô trên tay, đăm đắm nhìn xác vợ từ từ chìm vào lòng biển… Thế rồi cô lớn lên khỏe mạnh, xinh đẹp, thông minh trên đất Mỹ. Khi biết quê cha, đất tổ của mình là Việt Nam, cô quyết tâm tìm cách trở về cho bằng được. Hành trình tìm đường từ Mỹ về Việt Nam của cô rất thú vị, vì nó vòng qua Moskva.
Moskva cách xa Việt Nam hàng chục ngàn cây số, nhưng với nhiều người Việt Nam, thành phố này rất thân quen. Hơn thế nữa, nó còn in dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí họ. Trong giới trí thức người Việt, khi nhắc tới trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov là nhiều người bị lay động. Đây chính là nơi tạo nên tên tuổi của nhiều nhà khoa học Việt Nam hiện nay. Điều đáng nói là trường đại học này có cảnh quan hoành tráng và thơ mộng vào bậc nhất thế giới. Đây là nơi Huỳnh Phước Ân Thi tiếp xúc với những người đồng hương Việt Nam thuộc "chiến tuyến" khác. Và cô đã chinh phục được họ; hay chính cô bị họ chinh phục? Điều này không quan trọng. Cái quan trọng là cô đã được về Bến Tre, được gặp ông bà nội, được đi đó, đi đây, được sống ở Thủ đô Hà Nội… Và điều có ý nghĩa hơn cả là cô đã "bắc cầu" để ba cô – một viên tướng bại trận, người không hi vọng có cơ hội trở về Việt Nam nữa – đã trở về.
Nhưng "Đường về" không chỉ có vậy, nó không tròn trịa, viên mãn như truyện cổ tích. Trong "Đường về" có nhiều tính cách, nhiều số phận gần với đời thực. Đất nước ta từ sau 1975 đến nay trải qua nhiều cung bậc. Trong cái ngổn ngang, quăng quật, khúc khuỷu của cuộc đời có nhiều sự kiện bi hài trong từng số phận. Tác giả không có tham vọng kết luận điều gì; chỉ mở ra, vẽ lên những điều có thực đã được "văn học hóa", nghĩa là chúng có thể tập trung hơn, đậm đặc hơn, khốc liệt hơn, phong phú hơn, lãng mạn hơn, tươi đẹp hơn… những gì mà một người có thể chứng kiến. Nhưng như thế cũng chỉ mới nói được một phần của cuộc sống, bởi cuộc sống luôn luôn sâu thẳm và bí ẩn hơn những điều con người biết được.
Hy vọng những ai đọc "Đường về" sẽ tìm thấy ở đây những điều xốn xang trong tâm tưởng. Cái xốn xang này làm chúng ta đăm chiêu hơn trong cái nhìn để tìm niềm tin trong cuộc sống. Cái xốn xang này không có trên sân khấu, không có trong điện ảnh, chỉ có trong những con chữ.
Mong "Đường về" sẽ giúp độc giả nghỉ ngơi trong chính cái sự xốn xang của mình!
Mời bạn đón đọc.