Bộ tiểu thuyết Đường thời đại ra đời mang chân lý của thời đại, là tấm gương phản chiếu ý chí của một dân tộc cũng như sự thông minh tài hoa và trí tuệ của Bộ tham mưu chiến đấu là Đảng cộng sản Việt Nam. Đọc tác phẩm mọi người tự nhìn lại mình, chưa bao giờ con người yêu thương nhau, tin tưởng nhau như thế. Giá trị của Đường thời đại đến đâu còn phải chờ thời gian khẳng định, nhưng trước mắt tác phẩm đã gây đột biến trong dòng tiểu thuyết sử thi hoành tráng của văn học Việt Nam. Đường thời đại không đơn thuần là nghệ thuật văn chương mà còn là chính trị, lịch sử, tri thức chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ Quốc.
“… Đêm đã sắp ập xuống. Từ các mảnh vườn um tùm, khói lam đang toả ra rồi tan dần trong lớp sương chiều. Sau khi nhảy khỏi chiếc xe của Van, Út Tân tìm cách tránh địch, khi Van cho xe quay lại, huy động quân địa phương lùng tìm mình. Mặc dù đã quá thạo với địa hình đất miền Đông nhưng không phải làng nào, xã nào cô cũng biết. Út Tân gặp tốp lính dân vệ và cả đám cán bộ ngụy quyền xã từ trụ sở bước ra. Thấy Út xinh đẹp, sắc sảo, dáng tiểu thư mà đang đi lạc lõng, cả bọn liền vây quanh cô. Đứa thì gọi Út Tân bằng cháu. Đứa thì gọi bằng cô em. Nhưng tất cả đều nhìn Út Tân. Tên chánh đại diện đã đứng tuổi, trề môi đen sì, để lộ ra những chiếc răng to của một khuôn mặt khô, hỏi Út Tân:
– Cô em xinh đẹp thế kia mà chiều hôm đơn chiếc vậy? Hay là cô em đang hàng nghề?
Út Tân nhìn chằm chằm vào cái trán hói của tên chánh đại diện và chốc chốc lại liếc xuống cái đôi chân vòng kiềng của hắn. Hắn lại nói:
– Nếu cô em đi hành nghề thì tôi đây đăng ký, đặt cọc trước đó nghe.
Cả đám cười rộ lên và nhìn vào mặt Út Tân. Cô đã quá quen thuộc với những bộ mặt đểu cáng như thế này rồi nên tỏ ra rất bình tĩnh. Cô nhìn vào một tên khác có khuôn mặt vuông, mắt sâu, hàm rộng, người cao to đang đưa mắt nhìn Út Tân như một con nghiện, Hắn nói:
– Đừng dại gì hành nghề cái vùng này cô em. Mấy bà thôn quê ở đây dữ lắm. Nếu bắt được, mấy mẹ đĩ sẽ cuốc mặt ra đó nghe không? … Đẹp gái quá chớ. Thôi theo anh về nhà. Anh trui lũi một mình. Anh không cha, không mẹ, không vợ con… Đồng ý đi cưng!
Cứ thế hết đứa này đến đứa khác trêu ghẹo đủ lời. Cuối cùng Út Tân mới nói:
– Dạ thưa em đi tìm má em.
– Má sao tìm? Má theo dượng há?
Cả đám cưòi toáng lên.
– Dạ thưa má em già rồi. Nếu các anh, các chú có gặp một người có hình dáng giống em…..
– Má già rồi sao phải đi tìm?
– Dạ hôm qua giỗ ngoại em, lúc mọi người đã ra về, má với cậu út em bàn việc nhà rồi to tiếng cãi nhau. Hai người cãi nhau màai can cũng không chịu nữa. Nóng lên, cậu em đã nặng lời làm má em tức giận chửi: “Mày làm cảnh sát với xã hội chứ mày làm cảnh sát với tao sao?”. Lúc đầu tưởng má em giận cậu em bỏ sang nhà hàng xóm, hết giận rồi về. Ai dè cả ngày nay tìm đâu cũng không thấy. Cả nhà chia nhau đi tìm. Cậu em thản nhiên nói: “Để rồi tụi lính của tôi sẽ tìm về”. Út Tân tỏ ra bất mãn, thở dài nói về ông cậu:
– Chẳng ai như cậu em. Lúc nào cũng áp đảo má em. Cậy quyền, cậy thế nên mới ra nông nỗi này.
– Vậy chớ ông cậu em làm cái thá gì mà cậy quyền, cậy thế dữ vậy cô em?
– Dạ cậu em làm ở tổng nha cảnh sát nhưng em chẳng hay ông làm gì.
Tên chánh đại diện nói:
– Đến ông cậu làm gì mà cũng không biết nữa. Vậy ông ta tên gì?
– Dạ tên Phan Văn Liễu
– Phan Văn Liễu?
– Dạ.
– U mẹ ơi! Vậy là ông giám đốc sở cảnh sát rồi.
….”
Mời bạn đón đọc.