Tiểu thuyết lịch sử ĐỨC THÁNH TRẦN của nhà văn Trần Thanh Cảnh chính là diễn giải của tác giả về vương triều Trần lẫy lừng ba lần kháng Nguyên toàn thắng, nhất là về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nhân vật hiển hách nhất thời đại: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Diễn giải ấy thể hiện tinh thần cốt yếu của nó ngay trong nhan đề tác phẩm: Đức Thánh Trần. Đức Thánh Trần, ở đây tác giả Trần Thanh Cảnh đã thần thánh hóa nhân vật lịch sử Trần Quốc Tuấn. Hay chính xác hơn, là tác giả nhấn mạnh và khẳng định phẩm chất thần thánh, vị thế thần thánh, uy vọng thần thánh của Hưng Đạo Đại Vương.
Quả thật, trong sự miêu tả của Trần Thanh Cảnh thì nhân vật Trần Quốc Tuấn, dù ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ thời điểm nào của cuộc đời, từ ý nghĩ đến diện mạo, thần thái, hành động, đều luôn là sự vượt lên trên tất cả, ngời ngời một vẻ đẹp thần thánh. Khi lâm trận đối địch trên chiến trường, Ngài là một “thiên tướng”, là “người nhà trời phái xuống” để thực hiện sứ mệnh bảo quốc an dân cho vương triều Trần và cho bờ cõi Đại Việt, là nỗi khiếp đảm đến tột cùng của quân xâm lược phương Bắc. Trong những mối quan hệ tình ái với đàn bà, Trần Thanh Cảnh đã thần thánh hóa Hưng Đạo Đại Vương với nguồn “thiên ân” dạt dào, là phúc lạc to lớn đến mức bất cứ người đàn bà nào, vợ (công chúa Thiên Thành) hay tình nương (Quế Lan, người con gái xinh đẹp ở Bãi Soi), dù chỉ được gặp một lần cũng đủ thấy mãn nguyện cho cả một kiếp. Mang ánh hào quang rực rỡ của thần thánh, Trần Quốc Tuấn – qua miêu tả của Trần Thanh Cảnh, dĩ nhiên – là nhân vật có sức lan tỏa và quyến dụ đến kỳ lạ: ai cũng bị hút về phía Ngài, dù đó là đàn ông hay đàn bà, người già hay trẻ nhỏ, người trong hoàng tộc hay kẻ thuộc khối bách tính lê dân. Cái sức lan tỏa và quyến dụ kỳ lạ ấy của Trần Quốc Tuấn là của thần chứ không phải của người. Nó khiến cho, ở phạm vi gần, cả loạt nhân vật xung quanh Ngài, người thân và những tùy tướng tâm phúc, như công chúa Thiên Thành, nàng Quế Lan, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Địa Lô, Yết Kiêu, Dã Tượng, v.v… đều ít nhiều được nhuốm một màu sắc bất phàm.
Trần Thanh Cảnh khởi thảo Đức Thánh Trần sau khi đã cho ra mắt độc giả hai tập truyện ngắn mang đậm chất hoa tình, thậm chí là tinh thần “phóng dục”, khá đặc trưng cho đất và người Kinh Bắc. Cái “nếp” ấy vẫn được ông giữ lại trong cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay này, qua những trường đoạn viết về ái tình hừng hực nhựa sống và tràn trề đam mê của những đàn ông đàn bà Đại Việt thế kỷ thứ XIII. Đọc những trường đoạn ấy và, nếu tiện, thử làm một vài so sánh, ta sẽ thấy nhân vật của Trần Thanh Cảnh khác với nhân vật của các nhà tiểu thuyết lịch sử tiền bối đến thế nào.
Và đó cũng chính là một diễn giải lịch sử khả thể.
(Trích lời Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam)
Mời bạn đón đọc.