Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về một số ngày Tết Đinh Hợi không trùng nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như một số tháng đủ và thiếu khác nhau của hai nước, mới đây NXB Thuận Hóa (Huế) kết hợp với Công ty Văn hóa Hương Trang (TP.HCM) ấn hành cuốn 556 năm đối chiếu âm lịch – dương lịch Việt Nam và Trung Quốc (Giáp Thìn 1544 – Canh Thân 2100) do Lê Quý Ngưu biên soạn, dày hơn 1.500 trang. Lời mở đầu nêu rõ nước ta tính lịch của mình theo múi giờ 7 (kinh tuyến 1050 Đông, đi qua gần thủ đô Hà Nội), khác với Trung Quốc dựa trên múi giờ 8 (giờ Bắc Kinh). Cụ thể, vào ngày 8.8.1967, Nhà nước đã ra quyết định 121/CP “khẳng định giờ chính thức là múi giờ 7 kể từ 00 giờ ngày 1.1.1968 để áp dụng thống nhất cho cả nước”. Ở miền Nam, trước năm 1975, chính quyền Sài Gòn vẫn áp dụng theo múi giờ thứ 8 nên đã ăn Tết Nguyên đán hoàn toàn theo đúng với lịch Trung Quốc và “đến sau ngày miền Nam giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời đã ra quyết định miền Nam chính thức trở lại múi giờ 7 và giờ Sài Gòn được vặn chậm lui 1 giờ”. Do vậy, một số ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam và Trung Quốc có khác nhau. Như sắp tới, Việt Nam sẽ ăn Tết Đinh Hợi 2007 vào ngày thứ bảy 17.2.2007 dương lịch, còn Trung Quốc ăn tết vào ngày chủ nhật 18.2.2007 dương lịch. Sách biên soạn và bổ sung đối chiếu âm lịch, dương lịch Việt Nam-Trung Quốc từ năm 1544 đến 2100, chú trọng đến ngày tháng năm khác nhau của hai nước, làm công cụ tra cứu các ngày tháng trong lịch sử. Ví dụ cuốn Đại Nam thực lục ghi ngày Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan bị đóng gông giải đến phủ Phụng Thiên ở Bắc Thành để kết tội và đánh gậy là nhằm ngày Canh Thìn tháng 2 năm Quý Hợi, tương ứng với ngày 6.4.1803 dương lịch: “Ở năm này (Quý Hợi), có sự khác biệt giữa lịch Trung Quốc (nhà Thanh) với lịch Việt Nam (nhà Nguyễn)”. Lịch Việt Nam năm ấy nhuận vào tháng giêng, còn Trung Quốc thì không nhuận. Vì thế tháng giêng nhuận nói trên của lịch nhà Nguyễn lại ứng với tháng hai của lịch nhà Thanh. Nếu người nghiên cứu sử học chỉ dựa vào lịch Trung Quốc để tìm ngày dương lịch của sự kiện trên sẽ không chính xác. Nhân dịp sách phát hành, để tìm hiểu thêm về nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt giữa ngày ăn Tết Nguyên đán của Việt Nam với Trung Quốc, chúng tôi đã lắng nghe ý kiến cũng như tham khảo một số tư liệu đặc biệt của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và được biết năm Đinh Hợi không phải là lần đầu tiên Việt Nam ăn Tết khác Trung Quốc. Chẳng hạn như cách đây 22 năm, nước ta ăn Tết Ất Sửu 1985 trước Trung Quốc một tháng (chứ không chỉ một ngày như Tết Đinh Hợi này). Nghĩa là Việt Nam ăn Tết Ất Sửu vào ngày 21.1.1985 dương lịch, còn Trung Quốc ăn tết năm đó vào ngày 20.2.1985, sai biệt này gây nên sự bàn tán trong dân chúng. Vì thế lúc bấy giờ, Phân viện Khoa học Việt Nam tại TP.HCM phát hành ấn bản đặc biệt để giải thích về âm lịch nước ta và các ngày Tết, theo đó nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau nói trên là do việc áp dụng múi giờ Hà Nội (múi giờ 7) khác với múi giờ Bắc Kinh (múi giờ 8). Tuy khác nhau có 1 giờ nhưng có khi dẫn đến sai biệt đến… 1 ngày. Theo ý kiến của các nhà am tường lịch pháp thì việc cải biên âm lịch cho phù hợp với múi giờ của Việt Nam là rất khoa học và cần thiết. Đặc biệt, một số bà con người Hoa mà chúng tôi tiếp xúc tại TP.HCM cho biết Tết Nguyên đán năm nay – Đinh Hợi 2007 – họ sẽ hòa nhập cùng bà con người Việt để ăn Tết theo âm lịch của Việt Nam và đồng thời theo tập quán, họ cũng có thể có thêm một “ngày mồng một Tết” nữa theo lịch Trung Quốc nếu muốn. Một nghệ sĩ người Hoa ở Chợ Lớn nói: “Riêng tôi và một số thân hữu vào Tết Nguyên đán Đinh Hợi tới sẽ ăn Tết theo cả hai lịch Việt Nam và Trung Quốc cho vui vẻ. Nghĩa là chúng tôi sẽ uống rượu mừng được thêm một tuổi vào hai đêm giao thừa, tại sao không? Là vì chúng tôi nghĩ rằng buồn thì không nên buồn hai lần, chứ vui cứ vui hai lần, hoặc nhiều lần trong dịp đầu năm cũng là điều hay chứ có sao đâu”. |
Thật vậy, nhà nghiên cứu Trần Thượng Thủ đưa ra các ví dụ cụ thể qua một tài liệu đặc biệt về lịch Việt Nam – Trung Quốc như sau: “Có khi sự khác biệt 1 giờ đó lại khiến cho biến thành sự khác biệt 1 ngày và có khi ngày này thuộc vào hai tháng khác nhau (!) chẳng hạn như một trận động đất mạnh 4,5 độ Richter xảy ra tại một nơi có tọa độ địa lý là 1020 kinh Đông và 240 vĩ Bắc, cách xa tâm chấn này một khoảng suýt soát bằng nhau theo đường chim bay là thành phố Côn Minh (của Trung Quốc) và thị trấn Hà Giang (của Việt Nam). Thời điểm xảy ra trận động đất trên được ghi nhận là 00 giờ 25 phút ngày thứ tư 1 tháng 3 ở Côn Minh, nhưng lại (ghi nhận) là 23 giờ 25 phút ngày thứ ba 28 tháng 2 ở Hà Giang!”. Tuy vậy, cũng theo ông Trần Thượng Thủ trong tình trạng bình thường giờ của Việt Nam và Trung Quốc cũng chỉ khác nhau có 1 giờ đồng thời nêu ví dụ có một cơn lốc thổi qua vùng cầu Cốc Lếu nằm trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc thì các ghi nhận vào sổ trực của hai bên biên giới sẽ khác nhau: “bên này cầu (Việt Nam) ghi rằng: hồi 9 giờ 18 phút sáng hôm nay, một cơn lốc làm ngã cây cối khiến đứt dây điện và dây điện thoại – còn bên kia cầu (Trung Quốc) ghi rằng: hồi 10 giờ 18 phút sáng hôm nay, một cơn lốc mạnh làm tốc nóc và sụp đổ nhiều nhà”. Như thế việc ghi nhận một sự kiện xảy ra tại một nơi, cùng một lúc, nhưng lại thể hiện trên văn bản khác tới 1 giờ. Tóm lại, do múi giờ khác nhau trong việc biên soạn lịch, nên thỉnh thoảng đã có một số khác biệt từ 1 giờ, 1 ngày, thậm chí có khi đến 1 tháng giữa lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc. Theo các nhà nghiên cứu lịch pháp, việc nước ta sửa giờ giấc lại cho phù hợp với thiên văn là rất đúng và khoa học vì “quê hương đất tổ nằm gọn trong múi giờ thứ 7”. Do vậy, sắp tới dân ta ăn Tết Đinh Hợi vào ngày 17.2.2007 (trước Trung Quốc 1 ngày) không phải là “sớm”, mà là đúng ngày giờ với âm lịch Việt Nam. Giao Hưởng |