“Trong hơn 20 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở vùng tạm chiến, Bình Nguyên Lộc vẫn viết rất sung sức. Ở lĩnh vực sáng tác văn học, Bình Nguyên Lộc nổi tiếng là người viết nhiều và nhanh. Nhà văn Sơn Nam kể, chính Bình Nguyên Lộc đã tập cho ông viết nhanh và biểu diễn cho tác giả Hương Rừng Cà Mau. Còn Thanh Tùng, trong Văn học từ điển (Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, Quyển 1, tr.23-24) chép: “ông được kể là một trong số những nhà văn viết nhiều nhất, nhiều đến nỗi chính ông cũng không còn nhớ mình đã viết những gì nếu không nhìn vào một biểu liệt kê đã viết”. Những năm 1974, 1975, người ta thống kê, Bình Nguyên Lộc đã viết trên một nghìn truyện ngắn và hơn năm mươi tiểu thuyết đăng báo.
Một tác phẩm tiêu biểu cho sáng tác Bình Nguyên Lộc về con người và vùng đất Nam Bộ là tiểu thuyết Đò dọc (1958). Chuyện kể, sau chiến tranh với người Pháp, một gia đình có bốn cô con gái chưa chồng lại dắt dìu nhau từ Sài Gòn về Thủ Đức dựng nhà. Khi ấy, nơi này chưa hề có phố xá. Hương vị thành phố thoang thoảng trong thí nhớ các cô gái và ánh đèn từ thị xã Biên Hoà hắt lên. Làm sao “hội nhập” với người dân quê? Có lẽ, Bình Nguyên Lộc tìm cách cắt nghĩa điều đó với bao người. Tuy nhiên, một vấn đề mới lại nảy sinh, thật nan giải: các cô gái xinh đẹp kia đang ở độ tuổi lấy chồng, đợi vài năm nữa sẽ quá thì, còn hiện tại…. thật là phiền toái! Cuối cùng, các cô cũng đã có được tấm chồng xứng đôi vừa lứa, là người thành phố. Nhưng làng quê, với họ, lúc ấy không phải là nơi ao tù nước đọng, quá đỗi xa lạ. Người nhà quê vào thành phố, nhiều người đã viết, ngơ ngác và tội nghiệp lắm! Bình Nguyên Lộc không đưa thêm một hình ảnh đáng thương nào nữa. Ngược lại, nhà văn “nhắc nhở”, “trở về mái nhà xưa” cũng chẳng dễ dàng. Nơi đâu cũng có giá trị riêng của nó. Khi nào người ta tìm đến nó với ý nghĩa chân thật và thiêng liêng, đấy mới là cuộc trở về đúng nghĩa
Đời người, đời văn Bình Nguyên Lộc như một chuyến đò. Ông đã viết Đò dọc, tức tự ví mình như chuyến đò đơn chiếc, buồn lắm. Nhưng với bạn đọc, đời văn, đời người Bình Nguyên Lộc không hẳn là chuyến đò dọc. Ông rong ruổi trên quê hương, nước Việt của mình. Trong văn chương, đấy cũng là chuyến đò tìm kiếm quê hương, nhận diện quê hương. Vì thế, cho dù sau này, bắt đắc dĩ phải xa quê, Bình Nguyên Lộc, trong đời lẫn trong văn, Bình Nguyên Lộc vẫn là chuyến đò quê nặng nghĩa, thắm tình….” (Bùi Quang Huy)
“Cả nhà bỗng giựt mình thức dậy giữa loạt súng đầu. Ông Nam Thành nói: “Rồi, rồi” rồi nhào đại xuống đất hét thêm:
– “Xuống bà, mau mau! Bây ơi, xuống đất mau mau!”.
Bà Nam Thành mập tù lu, ột ệt ngồi dậy, bới đầu, bộ chậm rãi như không việc gì, khiến ông sốt ruột nạt:
– Biểu xuống, còn ngồi đó, chết bây giờ!
– Làm gì mà chết!
“Ầm…!”
Cả dãy phố như rùng mình lên một cái, đất cát đâu trên ngói rới xuống trần kêu lộp độp, trần xi măng lại đổ từng miếng xuống gạch kêu lạch cạch như ma ném đá.
Bà Nam Thành ngã lân trên nệm rồi là bài hãi:
– Chết rồi ông ơi!
– Ừ, nói không chết mà! Thây kệ, cứ ở trên mà la, rồi đạn nó ăn, đừng than.
Bà Nam Thành cứ vừa la, vừa kéo mền trùm lại kín mít, làm như trùm mền là chắc ăn lắm.
Nơi buồng trong, nghe chào rào chộn rộn, nghe lụi đụi dữ lắm rồi có tiếng cười, lại có tiếng khóc, cười và khóc đều do con gái cả.
Ông Nam Thành lại kêu:
– Con ơi, xuống đất nghen con!
– Dạ!
– Dạ!
– Dạ!
Có đến bốn, năm tiếng dạ, mà toàn là giọng con gái.
Nhà có ba buồng. Buồng ngoài là một cái thảo bạt, cất thêm mái hiên và cửa, vách, dùng tiếp khách. Ông bà Nam Thành ngủ ở buồng chánh, bây giờ biến thành buồng giữa, bốn cô con gái ngủ ở buồng trong cùng.
Bóng chong ba nến ở thảo bạt, đục và nhỏ y như cái trứng gà, đang soi mờ cái cảnh dị kỳ đó: một ông cụ nằm co dưới đất, một bà cụ trùm mền trên giường, và bên trong, bốn cô con gái ôm nhau cười và khóc….”
Mời bạn đón đọc.