Di Cảo – Nhật Ký – Thơ:
Nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu phê bình đã đánh giá cao tài năng, tâm huyết và những đóng góp của Lưu Quang Vũ đối với nền sân khấu nói riêng và với nền văn học nước nhà nói chung. Anh cũng là một trong những người đi tiên phong trong phong trào đổi mới văn nghệ, dùng ngòi bút của mình góp phần đem lại những điều tốt đẹp cho con người và xã hội. Cuộc sống của Lưu Quang Vũ tuy ngắn ngũi nhưng anh đã sống và làm việc hết mình, đã có những đóng góp lớn cho đời sống văn học dân tộc ở nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, kịch… Cuộc đời, sự nghiệp và sự ra đi đột ngột của anh cùng người bạn đời – Nhà thơ Xuân Quỳnh đã trở thành một sự kiện trong giới văn nghệ. Năm 2000, Lưu Quang Vũ đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật. Lưu Quang Vũ là tác giả trẻ tuổi nhất trong số những người được nhận giải thưởng cao quý này.
Ngoài những tập thơ đã được xuất bản và số lượng hơn 50 vở kịch đã công diễn, Lưu Quang Vũ còn để lại một khối lượng di cảo khá lớn gồm: Nhật ký, thư từ, sổ tay ghi chép, bản thảo đã hoàn thành hoặc còn dang dở. Nhân kỷ niệm 60 năm sinh và 20 năm mất của Lưu Quang Vũ, gia đình tác giả cho công bố một phần di cảo của anh. Hy vọng qua đây, bạn đọc có thể hình dung và có một cái nhìn đầy đủ hơn về con người, tính cách và những yếu tố góp phần làm nên tài năng Lưu Quang Vũ. Cuốn sách gồm có hai phần:
I. Mùa hoa phượng và nhật ký lên đường:
Ngay từ khi bắt đầu đi học, Lưu Quang Vũ có thói quen ghi nhật ký rất đều đặn. Phần nhật ký trích in trong tập sách này được Lưu Quang Vũ viết trong thời gian 3 năm học cấp III cho đến những tháng ngày đầu tiên bước vào cuộc đời quân ngũ (từ 1963 – đến 1965). Những trang nhật ký không chỉ ghi lại những sinh hoạt đời thường, những hoạt động ở trường lớp mà còn bộc lộ những suy nghĩ về con người, cuộc sống xã hội và văn chương nghệ thuật…
II. Những bông hoa không chết:
Đây là phần Di cảo thơ được viết trong khoảng 5 năm (1971 – 1975). Từ những trang nhật ký mơ mộng và lãng mạn của tuổi học trò đến những bài thơ rách xé đầy dằn vặt, đau xót của thời kỳ này là chặng đường 10 năm. Hai chặng đường khác nhau nhưng đều là của một con người thống nhất. Đây là thời kỳ gian khó, cô đơn đến cùng cực của Lưu Quang Vũ mà ít người biết đến. Lưu Quang Vũ thất vọng, cô đơn và có cả những lúc bế tắc nữa. Nhưng trong vài năm ấy, anh đã nhận thức sâu sắc được nhiều điều rộng lớn và nhất là khám phá ra chính bản thân mình. Có thể thấy ở đây một Lưu Quang Vũ của những ước nguyện tha thiết muốn vượt lên trên nỗi mệt mỏi, hoài nghi để yêu thương, để sống và để viết. Anh lặng lẽ làm thơ. Làm rất nhiều thơ. Làm thơ như ghi nhật ký. Thơ của anh không hợp với những đòi hỏi của sách báo ngày đó vì thế khó được in ấn, xuất bản. Lưu Quang Vũ viết cho nhu cầu riêng của mình. Những bài thơ diễn đạt tâm trạng và những cảm xúc cao độ mà anh đã trải qua trong những ngày đang sống.
Mục lục:
Lời nói đầu
I. Mùa hoa phượng và nhật ký lên đường
II. Những bông hoa không chết
Những bông hoa không chết
Những ngày hè cuối
Hai bài thơ xuân
Tháng 5
Không đề
Đáng lẽ
Lời cuối
Em
Cho Quỳnh những ngày xa
Người báo hiệu
Sông Hồng
Sông Hồng – Hồi ức của một nghĩa binh già
Sông Hồng – năm mẹ sinh em
….
Phụ lục: Người trong cõi nhớ
Mời bạn đón đọc.