Xem sách hay

Đêm Trước Đổi Mới – Tái bản 04/06/2006

Mua ở đâu?
KÝ ỨC THỜI SỔ GẠO
Hoà bình rồi, tiếng reo vui chưa được bao lâu thì người dân hai miền Nam Bắc phải đối mặt với biết bao gian nan. Cả nước chạy gạo ăn từng bữa. Nhiều người vẫn còn giữ vững tờ tem phiếu, sổ gạo ngã màu ố vàng thời gian, gợi cho họ cả một quãng đời mà người ta quen gọi là thời bao cấp.

Sài Gòn những năm 1980
Sống giữa Sài Gòn thời ấy, ông giáo Nguyễn Văn Hàng thèm bát cơm trắng và đủ thứ : cây viết trơn tru, tờ giấy trắng, chiếc lốp xe chưa bị vá, chiếc xích chưa phải lộn…Hơn 20 năm rồi ông Hàng vẫn còn nhớ cái hôm chiếc xe đạp cà tàng bị banh niền. Ông mượn cây kim to và sợi cước dài vật lộn với chiếc lốp suốt đêm . Sáng hôm sau, ông đến lớp mà không cầm nổi viên phấn nhưng không biết phải giải thích thế nào với học sinh . Mấy ngón tay nứt toét, sưng lên.thế mà ông vẫn ngày hai buổi đến lớp…

Trên đây là một trích đoạn trong cuốn Đêm Trước Đổi Mới, cuốn sách được hình thành với mục đích nhắc nhớ một thời kỳ, một thời đại lịch sử của những năm tháng không bao giờ quên – thời kỳ trước đổi mới. Nội dung của cuốn sách bao gồm:
Kỳ 1: Ký ức thời sổ gạo
Kỳ 2: Vòng kim cô
Kỳ 3: Mua như cướp, bán như cho
Kỳ 4: Công phá luỹ tre
Kỳ 5: Chiếc áo cơ chế mới
Kỳ 6: Tưởng như xa xôi lắm
Kỳ 7: Từ chạy gạo đến phá cơ chế giá
Kỳ 8: Bù giá vào lương
Kỳ 9: Những thông điệp gửi đến Ba Đình
Kỳ 10: Chuyển đổi vô hình
Kỳ 11: Imex- bầu sữa của đột phá
Kỳ 12: Nỗi niềm của tôi
Kỳ 13: Tôi trắng án
Kỳ 14: Chiến thắng chính mình
Kỳ cuối: uy quyền của lòng dân
Quán đêm trước đổi mới
Dư luận bạn đọc với đêm trước đổi mới…

Mặc dù cuốn sách chỉ mới là bản khởi thảo, có lẽ còn chưa tái hiện được đầy đủ những gì đáng ra phải tái hiện; tuy nhiên, với cuốn sách này, hy vọng người đọc hôm nay còn tìm ra những bài học cần thiết cho ngày mai, đúng như lịch sử đã chỉ bảo.

“Đêm trước đổi mới" – đêm trước của ngày mai
TTO – Với một “tòa soạn mở”, loạt phóng sự nhiều kỳ “Đêm trước đổi mới” (*) này đã được mổ xẻ và ngắm nhìn từ nhiều phía, đào xới đến tận gốc những tư liệu quan trọng từ TP.HCM, Long An, An Giang, Đà Lạt đến Hà Nội. Từ đó, trang báo mở ra và tìm về quê hương của những cánh đồng hôm qua vẫn còn là chiến hào của những con người khao khát tự do.

Ở đó, người dân đã phá lỏng những chủ trương sai, đã nói không với “hợp tác hóa cưỡng bức”, đã hạn chế bớt những tác hại của bệnh nhai lại giáo điều sinh ra mệnh lệnh quan liêu áp đặt.

Ở TP.HCM, những cư dân từng trải trong kinh tế thị trường đã sớm nói KHÔNG với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp – cái cơ chế trói chết sức sản xuất, quay lưng với những sáng kiến của con người.

Thời đó, khi thị trường còn là điều cấm kỵ, chính họ đã dũng cảm triển khai những cuộc thể nghiệm nằm ngoài luật pháp. Họ đã mở cửa nhà máy đặt quan hệ với thị trường, giúp Đảng bộ của mình đi đến nghị quyết “CỞI TRÓI CHO SẢN XUẤT BUNG RA”.

Con đường sống đã bắt đầu như vậy đó, từ nhà máy, từ đồng ruộng, từ quyền được tự do làm ăn sinh sống và mưu cầu hạnh phúc của nhân dân. Chính những công nhân, nông dân, doanh nhân, trí thức… những con người biết tin vào tính tích cực và sáng tạo công dân đã đặt lên bàn của các nhà hoạch định chính sách đường lối đất nước những sản phẩm hàng hóa của ĐỔI MỚI trước khi nghị quyết về ĐỔI MỚI ra đời.

Ngay từ lúc đó, trang báo đã có được những dữ kiện chứng minh ngày càng rõ sự tất yếu phải đổi mới. Việt Nam trên thực tế đã trở lại với kinh tế thị trường, qua những tổng kết thực tiễn, chứ không phải qua nhãn quan thất vọng giáo điều.

Sau khi những bài đầu tiên của loạt “ĐÊM TRƯỚC ĐỔI MỚI” (đăng từ ngày 30-11 đến 16-12-2005 trên báo Tuổi Trẻ) đến tay người đọc, trang báo đã có thêm hàng chục tác giả vốn là những người trong cuộc. Chúng tôi vẫn thấy đây chỉ là một bản khởi thảo cần có kịp thời để nhắc nhớ một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử của những năm tháng không thể nào quên. Và vì mới là khởi thảo, nên cuốn sách có lẽ còn chưa tái hiện được đầy đủ những gì đáng ra phải tái hiện.

Với quyển sách này, tháng 4-2006, tủ sách TUỔI TRẺ có thêm một tác phẩm mới. Chúng tôi hy vọng bản khởi thảo này sẽ được bạn đọc – những người trong cuộc – viết tiếp, và khoa học về xây dựng đường lối chính sách ở nước ta sẽ có thêm một chương quan trọng: “ĐÊM TRƯỚC ĐỔI MỚI”.

Theo Báo Tuổi Trẻ 08/04/2006 HUỲNH SƠN PHƯỚC (Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Vĩnh Biệt Tugumi

Vĩnh biệt Tugumi- vĩnh biệt tuổi thơ dữ dội

(Ngày 18-03-2007)

Từ khi sinh ra, Tugumi đã rất yếu. Nhiều chức năng cơ thể của cô bị tổn thương. Bác sĩ tuyên bố cô đoản mệnh và gia đình hiểu điều đó. Vì thế, tất cả mọi người đều chiều chuộng cô bé xinh đẹp với mái tóc đen, dài, làn da trắng, hàng mi dài, rậm, đẹp thanh nhã như một con búp bê.

Trong khi ai cũng hết lòng vì Tugumi thì cô lại luôn độc mồm độc miệng, vòi vĩnh, thích làm mọi thứ theo ý mình. Mỗi khi bị sốt nằm bệt một chỗ, sự điên cuồng của Tugumi lại nặng thêm. Được gia đình dành cho một căn phòng rất đẹp nhìn ra biển, Tugumi cố xé rèm cửa, hất đổ bát cơm, vứt sách từ trên giá xuống chiếu…. khiến mọi người đều phàn nàn và rơi lệ. Chỉ có Maria, cô bạn học cũng là chị em họ của Tugumi, là có thể đến sát gần với thế giới của Tugumi. Dù dành nhiều tình cảm đặc biệt cho kẻ ốm yếu này, song với sự phẫn nộ không che giấu của một đứa trẻ, Maria luôn là người thể hiện mình thẳng thắn và chân thực trước Tugumi. Đó là điều khiến 2 cô gái tính nết trái ngược nhau trở thành đôi bạn thân thiết. Chính Maria cũng có cùng cảm nhận về mối tình đầu chắc chắn sẽ tiến xa giữa Tugumi và Kyoichi – con trai của chủ một khách sạn cạnh đó. Và trước khi rời xa cuộc sống tươi đẹp này, lá thư cuối cùng mà Tugumi để lại là cho Maria. Trong đó có lời thú nhận của Tugumi về việc làm thế nào để một bệnh nhân yếu ớt như nó lại có thể tự mình bí mật đào một cái hố sâu trong vườn nhà người khác, và suýt nữa dẫn tới một vụ án mạng có chủ ý.

Tugumi kiêu ngạo, dữ dằn, thậm chí cả hoang dại nữa trong vụ giết người hụt, nhưng suốt từ đầu tới cuối cuốn sách là một giọng kể suy tư nhẹ nhàng với những câu văn tươi tắn, trong sáng. Trong thế giới nhỏ bé của cô gái chưa một lần bước chân ra khỏi thị trấn này, mọi thứ thật hoang sơ trong sự nổi loạn của một người thiết tha muốn được sống.

Vĩnh biệt Tugumi cũng chính là vĩnh biệt tuổi thơ, với một cái nhìn sống động và tươi tắn về tình yêu, tình thương nơi những nhân vật trẻ vừa bước qua ngưỡng cửa thiếu niên mong manh, dữ dội. Đây là cuốn sách viết về hai nguyên mẫu có thật ngoài đời.

Banana Yoshimoto sinh năm 1964 tại Tokyo, Nhật Bản, là con gái thứ của nhà thơ, nhà tư tưởng Yoshimoto Takaai. Cô tốt nghiệp ngành văn nghệ, Khoa Nghệ thuật, ĐH Nihon. Tiểu thuyết Vĩnh biệt Tugumi được nhận giải thưởng Yamamoto Shugoro năm 1989, được dựng thành phim năm 1990.

Yến Anh

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


 
Mua ở đâu?