Đối với tôi, cuốn sách này còn mang một ý nghĩa khác. Nó được viết để tặng bố tôi. Xem ra được và mất một thân phận là một việc rất dễ dàng. Song, những biến cố và tổn thương trong tình cảm là một quá trình cần phải được trả giá. Ngẫm lại, con người trong quá trình chuyển đổi từ thân phận này sang thân phận khác đã dùng hết cuộc đời mình. Tình cảm là bài học suốt đời của chúng ta… – An Ni Bảo Bối
(Đọc Đảo Tường Vy, An Ni Bảo Bối, Nguyễn Lệ Chi dịch, NXB Phụ Nữ)
TT – Một cô gái Trung Quốc làm một cuộc hành trình đơn độc qua Việt Nam, Campuchia, Hong Kong rồi Tây Tạng… Đi chỉ để nhìn thấy mình đang đi. Trong sắc màu của âm thanh, ánh sáng, mùi vị. Trong rực rỡ, xôn xao mà hoang vắng.
Nhưng thật ra, khung cảnh ở mỗi chốn dừng chân ngắn ngủi của cuộc đời này đều không quan trọng. Khi mỗi chuyến đi là một sự trở về với nội tâm, một sự nhận biết mình và con đường nối với thế giới. Tình cảm thế gian ở đâu cũng như nhau và nỗi cô đơn của con người thì ở đâu cũng vậy. Nên đi, cũng là để nhìn thấy mình trong tất cả và tất cả trong mình.
Du hành vì vậy cũng là bắt đầu cuộc phiêu lưu của tâm tưởng.
Chuyến du hành của riêng tác giả còn là một hành trình soi lại ký ức. Ký ức trĩu nặng một tình cảm sâu sắc và dở dang, với BỐ. Có những khoảnh khắc như một nhát dao chém, vết thương còn lại mãi. Khoảnh khắc chuyển đổi từ thân phận này sang thân phận khác khi chấm dứt một kiếp luân hồi. Khoảnh khắc rơi vào tình yêu và giây phút giã từ. Những khoảnh khắc ấy, từ trang sách, ta bắt gặp âm thanh của nội tâm vang vọng chân thành.
Đảo Tường Vy còn là một sự tìm kiếm chính mình trong tình yêu. “Tình cảm là bài học suốt đời của chúng ta”, nên đây mới là chuyến du hành không có điểm dừng. Tình yêu dường như chỉ là ảo giác. Trong tình yêu, hoặc là an toàn, hoặc là tự do, không thể cùng một lúc nắm được cả hai, và “thứ mà chúng ta yêu vẫn chỉ là bản thân tình yêu”. Có những tổn thương phải trả giá. Nhưng tình yêu mãi là một khát khao êm ả của con người, như nỗi khát khao của linh hồn cần một nơi cập bến. Tuy nhiên, linh hồn cứ mãi lang thang. Lang thang nên bất an thường trực. Tìm sự tĩnh tại thật dễ dàng mà cũng rất không.
Triết lý về tình yêu và cuộc sống đan xen nhuần nhị trong những ghi chép nhỏ. Cuốn sách vì vậy đẫm một hương vị quyến rũ. Quyến rũ như bản thân những cuộc du hành và tình yêu. Trong nỗi trầm cảm ngọt ngào, sâu lắng, con đường đẹp nhất là con đường giúp ta tìm thấy mình. Từ một trái tim bình tĩnh, hơi thở mang chút u sầu cũng lấp lánh như một ánh nắng soi nghiêng và tươi mát như giọt mưa đầu mùa trong trẻo…
Đọc An Ni Bảo Bối, tìm thấy một tâm hồn Á Đông gần gũi, khác lạ với những nhà văn nữ đương đại cùng thế hệ cô. Không có những nổi loạn, không có cái tôi căng phồng. Nhẹ nhàng và đằm thắm. Tĩnh lặng và kiềm chế. Và vẫn sáng trong trong những nhiệt thành.
Có thể rồi bạn sẽ quên tất cả những gì tác giả viết, về một VN dịu dàng và trầm lắng qua cái nhìn của một cô gái nước ngoài, về những chốn dừng chân khác, về cuộc tình của cô. Nhưng hương vị đẫm sâu của một linh hồn đã đi vào trong bạn. Và ở lại cùng bạn, ủi an…
Ngôn từ, rốt cuộc cũng không cần mô tả cho một cốt truyện nào. Dòng chảy tâm thức không thể dồn nén trong một cốt truyện. Từ ngữ, cũng chỉ là một cuộc kiếm tìm. Bạn có thể mượn nó để vỗ về một nỗi đau hay phơi khô một cuộc tình. Rồi thời gian cũng xóa nhòa, bạn chỉ còn lại mình.
Sao gọi tên quyển sách này là Đảo Tường Vy? Có lẽ, trong nỗi cô đơn tinh sạch, tâm hồn con người như một hoang đảo nở hoa – những bông hoa thuần khiết. Sóng đời xô dạt vào, nặng mà nhẹ như không.
Theo Báo TT 16/04/2006 LINH THOẠI
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Học cách suy nghĩ lạc quan
“Luôn có một tia sáng ở cuối đường hầm.” – Người lạc quan nói. Kẻ bi quan đáp rằng: “Chắc chắn có một đoàn xe lửa sắp đâm thẳng vào chúng ta”.
David Baird
TTO – Tôi đã tiêu phí hết ba mươi năm đầu của cuộc đời mình để sống như một kẻ bi quan. Tôi luôn nhìn mọi thứ ở những khía cạnh tiêu cực. Tôi chưa bao giờ thỏa nguyện những ước vọng của mình. Và tôi đã không hề cảm thấy hạnh phúc.
Rồi một ngày, tôi nhận ra rằng những tháng ngày đã qua của đời mình sao mà nhạt nhẽo và vô nghĩa. Không thể để tình trạng đó mãi kéo dài, tôi quyết định phải sống khác đi.
Tác giả Mihaly Csikszentmihalyi đã từng viết: “Điều quan trọng nhất là chúng ta phải học cách thưởng thức cuộc sống. Điều đó không chỉ giúp ta cảm nhận ý nghĩa cuộc sống mà còn giúp ta hiểu rõ giá trị cuộc sống mà lâu nay ta chưa hiểu một cách đầy đủ”. Để trở thành một kẻ bi quan thì rất dễ, nhưng để trở thành một người lạc quan, hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của cuộc sống thì lại là điều không dễ. Bởi lẽ, kẻ bi quan thường không có hy vọng, không tin mọi thứ có thể thay đổi được, và nhất là chẳng bao giờ dám làm điều gì để thay đổi. Vì thế, tôi đã quyết tâm phải trở thành một người lạc quan, và bắt đầu bằng cách nhìn mọi sự vật, sự việc trong cuộc sống hàng ngày ở những khía cạnh tươi sáng hơn.
Những người có suy nghĩ lạc quan thường có khuynh hướng tiếp nhận sự việc tiêu cực với thái độ bình tĩnh, tự tin rồi dần dần đưa sự việc tiêu cực đó vào tầm điều khiển của mình. Cùng trong một hoàn cảnh, nhưng ứng xử của người lạc quan và kẻ bi quan rất khác biệt. Chẳng hạn, với một người phải chịu áp lực công việc rất cao, luôn túng thiếu về tài chính và đang mắc một món nợ lớn. Nếu anh ta là một người lạc quan, biết tin tưởng vào những điều tốt đẹp, anh ta sẽ tự biết thúc đẩy, động viên mình làm việc hiệu quả hơn để cải thiện tình hình, chẳng bao lâu nợ nần cũng sẽ trả hết, áp lực công việc sẽ giảm dần, cuộc sống sẽ dễ chịu hơn. Ngược lại, là một người bi quan, anh ta chỉ toàn nghĩ đến những điều tệ hại: mình không có khả năng thay đổi được tình hình, mọi việc chỉ có thể càng ngày càng xấu đi mà thôi, tình trạng túng bấn sẽ kéo dài, biết đâu nay mai sẽ thất nghiệp, nợ nần chồng chất biết bao giờ mới trả xong…
Đứng trước một biến cố nào đó, người lạc quan và kẻ bi quan luôn có thái độ nhìn nhận khác nhau. Người lạc quan luôn cố gắng tìm kiếm những khía cạnh tốt đẹp của tình hình, nghĩ đến những kết quả lâu dài, nghĩ đến những gì tốt nhất trong khả năng có thể làm được để cải thiện tình hình. Họ tin tưởng ở kết quả tốt đẹp mà họ có thể gặt hái, tin rằng những bất lợi rồi cũng sẽ giảm bớt nếu mình biết khai thác tối đa khía cạnh thuận lợi, dù ít ỏi. Những người lạc quan sẽ mang niềm tin đó vào công việc, làm việc quyết tâm hơn, hăng say và chịu khó hơn rất nhiều lần để đạt được thành quả mà họ mơ ước… Trong khi đó, kẻ bi quan thì có thái độ hoàn toàn ngược lại. Họ xem công việc chỉ có tính chất nhất thời, làm như thể mọi chuyện xảy ra đều nằm ngoài tầm điều khiển của họ và những chuyện kém may mắn đều hoàn toàn do khách quan. Họ cho rằng có cố gắng đến đâu cũng vô ích mà chẳng bao giờ nghĩ đến việc phải phát huy nội lực của bản thân để tác động ngược trở lại ngoại cảnh. Lâu dần, ý chí và nghị lực của kẻ bi quan bị mài mòn và anh ta chỉ còn biết khoanh tay phó mặc tất cả cho số phận.
Cách tốt nhất để thay đổi thái độ của bản thân từ chỗ bi quan trở nên lạc quan là chúng ta hãy thay đổi cách lý giải của mình về mọi việc. Nhiều khi, chỉ vì cách lý giải nóng vội, nông nổi, hời hợt, hoặc do thành kiến, cố chấp mà bạn nhìn cuộc sống bằng cái nhìn bi quan. Cho nên, thử thay đổi cách lý giải của mình, cố gắng tìm hiểu kỹ lưỡng, sâu sắc hơn một chút về mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống, chúng ta sẽ nhìn thấy những khía cạnh tích cực mà lâu nay mình chưa nhìn thấy. Điều đó không những giúp bản thân ta gặt hái được thành quả trong công việc mà còn mang lại niềm hạnh phúc trong cuộc sống.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn