Năm Cảnh Hưng thứ bốn mươi ba, huyện Cốc Dương, trấn Sơn Tây, đêm rằm tháng Bảy. Một gã phù thủy đang lập trận thu nạp âm binh giữa bãi chôn người. Phạm Đình Quyết, dòng dõi của một gia đình chín đời làm nghề khâm liệm đã vô tình chứng kiến cảnh tượng kinh dị này.Từ đây, hắn bắt đầu bước chân vào một thế giới chưa từng biết.Hắn dần dần khám phá ra bí mật của gia đình mình. Và thân phận thực sự của hắn, một Lạc Vu Điện Súy của Trấn Quốc Hội, nơi tập hợp những phù thủy cao tay, những nhà huyền thuật xuất sắc đang âm thầm bảo vệ Đông Kinh trước sự tấn công của giáo phái Hàng Long tà đạo từ ngoại bang.
Một câu chuyện về thế giới của phù thủy, vong hồn, bùa ngải, huyền thuật, tà thuật. Kinh dị, huyền bí, li kỳ, nhưng cũng đầy hào sảng.
“Cuốn sách bạn cầm trên tay không phải là cuốn sách đầu tiên tôi ‘phải viết’, nó chỉ là một câu chuyện đầy đủ nhất của tôi. Từ trước đến nay, tôi đã khá nhiều lần thử cầm bút. Trong những lần như thế, chữ viết ra thường xuôi theo cảm xúc mà không hề có cốt truyện hay định hướng. Những cảm xúc thời sinh viên, những tình cảm đối với gia đình. Đôi khi đó lại chỉ là mong muốn được cuốn theo dòng diễn biến tâm trạng của một nhân vật hư cấu nào đó. Tôi nhận ra mình chưa bao giờ thử viết về những thứ cảm giác mà tôi có rất nhiều: nỗi sợ hãi và sự tò mò.
Ngay đêm rằm năm ấy, tôi đã viết một mạch xong hồi thứ nhất của cuốn sách.Và quan trọng hơn là tôi có tìm thấy một nguồn cảm hứng và một định hướng rộng rãi để tiến tiếp.
Tôi tra cứu sách vở lẫn Internet để tìm thông tin về huyền thuật Việt Nam. Đa số các thông tin đều không chính thống, vụn vặt, đôi chỗ còn thiếu thống nhất. Lúc đầu tôi hơi hoang mang: với tư liệu ít ỏi thế này, viết thế nào? Rồi tôi nhận ra mình thật ngớ ngẩn. Tôi là người kể chuyện, không phải người giảng bài, tôi có quyền hư cấu theo trí tưởng tượng của tôi. Toàn bộ câu chuyện tôi viết ra đều không có thực.Đại Nam dị truyện là một sự tổng hợp những yếu tố tôi cảm thấy hứng thú, đó là: dã sử, tín ngưỡng dân gian và sự li kỳ.
Đại Nam dị truyện có mượn bối cảnh và các nhân vật lịch sử thời Lê Trung Hưng. Khi viết cuốn sách này, tôi vốn là một kẻ mù mờ về lịch sử (và bây giờ vẫn thế, tất nhiên), nhưng có một lần, khi tìm được cuốn Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771-1802) của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, tôi đã bị hấp dẫn bởi từ “nội chiến” khá lạ lẫm và bị hút vào cuốn sách đó. Điểm tôi cảm thấy thú vị nhất là mức độ trung tính của tác phẩm, nó không hoàn toàn định hướng theo góc nhìn một chiều như nhiều tác phẩm liên quan đến sử mà tôi được đọc. Tôi hứng thú với ý nghĩ rằng đằng sau những sự kiện lịch sử là những con người bằng xương bằng thịt, có tính, có hồn, có thiện có ác chứ không vô tri vô cảm. Tôi bị hấp dẫn bởi những điểm mờ của lịch sử.[…] Tôi cảm thấy lịch sử hay hơn bất kỳ một kịch bản dàn dựng nào, chỉ cần nương theo kịch bản đó thì đã có một cốt truyện hấp dẫn. Tôi quyết định gắn câu chuyện của mình vào lịch sử, tôi sẽ viết một ‘dã sử’.
Đại Nam không phải là tên gọi nước Việt Nam thời Lê Trung Hưng, mà là tên hiệu nước ta dưới thời vua Minh Mạng. Tôi biết điều này nhưng đây là cái tên tôi thích nhất. Tôi muốn dùng nó để gọi một nước Việt nói chung trong quá khứ, không nệ vào triều đại nào hay thời kỳ nào.”
(Trích “Tản mạn về viết ‘Đại Nam dị truyện’” của tác giả Phan Cuồng)
Mời bạn đón đọc.