Xem sách hay

Cụ Phó Bảng Minh Xuyên Hoàng Yến & Tác Phẩm Cầm Học Tầm Nguyên (Khảo – Chú – Luận)

Mua ở đâu?

Cầm trong tay tập bản thảo Cụ Phó bảng Minh Xuyên Hoàng Yến và tác phẩm Cầm học tầm nguyên (khảo – chú – luận) của Nguyễn Phúc An, tôi thầm cảm thấy mình thật may mắn khi được là người đọc và viết tựa cho tập sách này. Cuốn sách là tập chuyên khảo giới thiệu về cụ Phó bảng Hoàng Yến và kiến thức âm nhạc Huế của ông qua cuốn Cầm học tầm nguyên. Tôi tuy không nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc cổ truyền, nhưng nội dung cuốn sách đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng.

Xưa nay, không có nhiều người nghiên cứu về âm nhạc cổ truyền, đặc biệt là âm nhạc viết bằng chữ Hán lại càng không phải ai cũng có đủ kiến thức am hiểu, đủ kiên trì để tìm tòi nghiên cứu. Là một người nghiên cứu cổ nhạc, lại chịu khó, cần mẫn với công việc nghiên cứu, cộng với khả năng đọc tốt chữ Hán, am hiểu về tri thức Hán cổ đã giúp 

Nguyễn Phúc An trong chưa đầy một năm đã cho ra đời hai tập chuyên khảo về âm nhạc. Cuốn thứ nhất là tập chuyên khảo về dòng nhạc cổ của dân tộc: Đờn ca tài tử Nam bộ – Khảo và luận ấn hành cuối năm 2018, và lần này là Cụ Phó bảng Minh Xuyên Hoàng Yến và tác phẩm Cầm học tầm nguyên (khảo – chú – luận). Tôi thật sự ngưỡng mộ về sự cần cù, kiên trì theo đuổi và kiến thức sâu rộng về âm nhạc cổ truyền của Nguyễn Phúc An. Cuốn sách có thể coi là sự gợi mở tiếp theo cho việc nghiên cứu về cổ nhạc cũng như cho những nhà làm nhạc có thêm những hiểu biết về âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Nội dung của cuốn sách ngoài phần khảo và luận về cụ Phó bảng Hoàng Yến và Cầm học tầm nguyên, tác giả còn dành một số trang cho việc bình luận so sánh với những tác phẩm nhạc cổ khác để tìm ra những điểm tương quan trong nghiên cứu âm nhạc truyền thống. Cụ Phó bảng Hoàng Yến là một nhân sĩ có thực tài trong giai đoạn cuối triều Nguyễn, ông có học vấn uyên thâm cả cựu học và tân học, ông vừa làm quan trong triều đình vừa là một nghệ sĩ am hiểu cổ nhạc Huế, là người phong lưu, thành thạo cả cầm, kỳ, thi, họa cũng như am hiểu về nghề đàn.

Cầm học tầm nguyên chứa đựng bao kiến thức về âm nhạc cổ truyền Huế của cụ Phó bảng Hoàng Yến mà bao lâu nay đã bị quên lãng. Dưới sự khảo cứu của Nguyễn Phúc An, cuốn sách đã được trả về giá trị vốn dĩ của nó, gợi lại cho chúng ta một bức tranh về âm nhạc cổ truyền của Huế trong quá khứ, giúp chúng ta nhận diện thêm về nguồn thư tịch cổ của Trung Quốc đã tồn tại ở Việt Nam cho đến đầu thế kỷ 20, giúp chúng ta hiểu được xuất xứ và nguồn gốc các loại nhạc cụ cổ truyền đã và đang sử dụng như: đàn cầm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn nhị… Đồng thời cũng nhận thức được loại hình âm nhạc cổ truyền Huế đã ảnh hưởng đến âm nhạc đờn ca tài tử ở Nam bộ như thế nào. Cho đến hôm nay, những điều tinh túy, những giá trị cốt lõi của âm nhạc truyền thống vẫn được phát huy và có những ghi nhận từ việc cả Nhã nhạc Cung đình Huế và đờn ca tài tử Nam bộ đều được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây thật là điều đáng tự hào cho nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc.

Từ những khảo cứu và biện luận về cổ nhạc, đặc biệt là việc sử dụng tài liệu cấp một và trích dẫn chuyên nghiệp trong nghiên cứu đã làm cho chuyên khảo tăng thêm phần giá trị và tính xác thực trong nghiên cứu cổ nhạc xưa nay. Vấn đề này xưa nay không phải ai cũng có thể làm được.

Nhìn chung, cuốn sách là tập chuyên khảo về âm nhạc truyền thống có giá trị và hữu ích cho bất cứ nhạc sĩ hay người nghiên cứu về âm nhạc nào, cũng như những ai quan tâm về cổ nhạc của dân tộc. Từ những lý do đó mà tôi hy vọng, và có thể chắc chắn, tập chuyên khảo này sẽ được đón nhận một cách rộng rãi không chỉ những người làm nhạc muốn tìm hiểu về âm nhạc truyền thống mà cả những người nghiên cứu về âm nhạc và những người muốn khám phá, tìm hiểu về âm nhạc truyền thống của Việt Nam, cũng như những nhà nghiên cứu về thư tịch cổ chữ Hán của ta.

      Phạm Ngọc Hường

Tiến sĩ – Phó Giám đốc Trung tâm Sử học Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ TP. Hồ Chí Minh, trọng xuân, 20 tháng 3 năm 2019

Mời bạn đón đọc.

 
Mua ở đâu?