Từ khi Sơn Nam mất vào năm 2008, đến nay, buổi tọa đàm "50 năm Hương Rừng Cà Mau" diễn ra vào ngày 27/12 tại TP HCM là dịp hiếm hoi để bạn đọc, các nhà nghiên cứu, bạn văn ngồi lại nhìn nhận, tôn vinh một bộ tác phẩm để đời của "Ông già Nam Bộ".
Có những tác giả mãi đến khi qua đời thì thành tựu trên văn đàn của họ mới được xác lập, nhưng nói như nhà thơ Lê Minh Quốc, với Hương rừng Cà Mau, ngay từ khi còn sống, Sơn Nam đã hoàn thành sứ mệnh của một người cầm bút dành cho quê hương, vùng đất mà ông sinh ra.
Từ ngòi bút của Sơn Nam, khái niệm về văn hóa – văn minh miệt vườn đã ra đời, và được nhắc đến với biết bao nét hấp dẫn. Những truyện ngắn trong bộ Hương rừng Cà Mau, mở ra những nẻo đường đầy huyền bí, mê hoặc lòng người của vùng đồng bằng Sông cửu Long sóng nước mênh mông, mà đến tận hôm nay vẫn chưa được hiểu hết về giá trị văn hóa – lịch sử.
Từ ấn bản Hương Rừng Cà Mau năm 1962, đến nay, nhờ công sưu tầm tư liệu của nhà thơ Lê Minh Quốc và nhiều bạn đọc mến mộ Sơn Nam, tuyển tập truyện ngắn của ông với tên chung là Hương Rừng Cà Mau ngày càng dày dặn hơn lúc đầu. 3 tập sách trong bộ này gồm hơn 60 truyện, đã dựng nên một bối cảnh làng quê đầy sống động, thấm đẫm hồn cốt con người, phong cảnh nhiều vùng đất của miền Tây.
Truyện ngắn của Sơn Nam rất cô đọng, súc tích, ngôn ngữ nặng tính địa phương mà giản dị, dễ gần. Ông viết như đang kể chuyện, thủ thỉ, tâm tình. Ông tả cảnh, tả người sống động đến từng chi tiết nhỏ. Chỉ qua vài dòng, một thiếu nữ vùng quê miệt vườn, một tay giết người hảo hớn, một kẻ săn bắt heo rừng, một thầy tu ở chùa Khmer hay một kẻ "đâm hà bá, phá sơn lâm"… hiển hiện ra trước mặt người đọc với đầy cảm xúc.
Mỗi truyện ngắn của "Ông già Nam Bộ" này là sự tổng hòa của kiến thức sâu rộng về địa lý, lịch sử, văn hóa dân tộc. Và không chỉ dừng ở đó, tâm hồn đa cảm, nhạy bén trong văn chương của ông đã giúp trang viết của Sơn Nam lưu giữ được những nét tinh tế trong phẩm chất, cá tính và tâm hồn người miền Tây.
"Hương rừng Cà Mau": "Năm tháng đã trôi qua/ Ray rứt mãi đời ta/ Nắng mưa miền cố thổ/ Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê".
Ai từng đọc Tình nghĩa giáo khoa thư không thể quên được tình người nồng đượm trong từng câu chữ. Truyện kể về nhân viên của một tờ báo lặn lội về một vùng quê xa để gặp một độc giả đặt báo dài hạn mà lại thiếu tiền sáu tháng chưa thấy trả. Chuyến đi "đòi nợ" ngờ đâu trở thành chuyến gặp gỡ của đôi bạn tri kỷ khi cả hai gắn liền với tình yêu dành cho bộ Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng, Việt Nam tiểu học tùng thư. Những câu thơ đạo lý gửi gắm qua trang sách vỡ lòng ngày nào gắn kết tuổi thơ của hai người dân quê với nhau, để rồi mang đến cho họ một thứ tình tri kỷ nói ít hiểu nhiều. Truyện kết thúc ở cảnh phái viên đi đòi nợ báo thao thức về cảnh nghèo và cái tình của người bạn trong căn chòi ở miệt rừng. Cái thao thức ấy dễ làm người ta rơi nước mắt.
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết tác giả tham dự buổi tọa đàm đều nhắc đến truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư như một trong những tác phẩm ghi dấu ấn sâu đậm trong họ. Những nhà văn, nhà báo, nhà thơ nhà giáo như: Lê Minh Quốc, Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Trọng Tín, Vũ Đức Sao Biển… đều cùng chung tình yêu dành cho tác phẩm này. Bởi ai đã sống chết với mình với nghề làm báo viết văn, cũng như những ai trọng chữ nghĩa, đều tìm thấy trong đấy giá trị bất biến về sự cao thượng của những tâm hồn đẹp.
Nhà thơ Kiên Giang là người cùng làng với Sơn Nam ngày bé. Ông nhớ mãi câu nói của Sơn Nam với ông: "Xứ mình nghèo quá, mình đi học mình phải làm sao cho người ta biết đến xứ mình".
Không chỉ có Tình nghĩa giáo khoa thư, những truyện ngắn Con Bảy đưa đò, Chuyện năm xưa, Bắt sấu rừng U Minh Hạ, Cô Út về rừng, Hương Rừng… trong tập sách của Sơn Nam dễ làm độc giả khi thì cay xè nơi sống mũi vì nét dân dã, mộc mạc ấp iu trong từng mảnh đời, thân phận của con người tứ xứ của vùng đất phương Nam, khi lại khiến ta có thể bật cười với lối viết cà rỡn, hài hước như kiểu bác Ba Phi.
Sơn Nam dẫn người đọc náu mình cùng ông trong thân cây mù u nào đó giữa rừng già để nghe chim kêu vượn hú, để lặng người thấy quê hương mình đẹp làm sao. Ông chỉ cho người đọc dõi mắt theo từng chuyến đò, chuyến ghe trên bờ sông Hậu để thấy những mảnh đời như lục bình trôi. Ông nhắc cho người ta nhớ dãy Thất Sơn huyền bí, vùng rừng Cà Mau thâm u vẫn còn chứa đựng trong nó những câu chuyện, những giá trị về đất và người cần phải được tiếp tục khai phá, tìm hiểu.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt nhận định, Hương rừng Cà Mau tròn 50 tuổi nhưng sức hấp dẫn của nó sẽ còn vượt xa mốc thời gian này. Nhưng mảnh đất Nam Bộ chỉ với Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển, Sơn Nam… thì vẫn chưa đủ. Những cái tên được nhắc đến ở thế hệ sau như: Nguyễn Ngọc Tư, Võ Đắc Danh, Nguyễn Trọng Tín… vẫn chưa đủ. Chính vì thế, tại tọa đàm, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt nhắc lại ý tưởng về việc thành lập một quỹ hoặc giải thưởng mang tên Sơn Nam. Giải thưởng có thể được trích từ nguồn nhuận bút sách của ông mà NXB Trẻ đã mua bản quyền trọn đời, nhằm hỗ trợ cho việc tìm kiếm, nuôi dưỡng những tài năng trong việc viết lách, nghiên cứu về đất và người Nam Bộ, để tạo nên thế hệ cây bút mới khơi dòng phù sa của miền Tây.
(Báo Vnexpress giới thiệu ngày 28/12/2012)
Bài, ảnh: Anh Vân
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn