1. Tình Nhân Không Bao Giờ Đòi Cưới
Tình nhân không bao giờ đòi cưới là cuốn sách mới nhất của Trang Hạ về tình yêu và sự chờ đợi tình yêu trong vô vọng. Trong cô đơn, chúng ta vẫn không ngừng bị giày vò bởi những khao khát tìm kiếm và mong ước mình được thuộc về một ai đó. Sự diễm lệ của nỗi đau cũng là khởi đầu của những hành trình tràn đầy thi vị yêu đương của tuổi đôi mươi, hoặc chát đắng mối tình đến sau…
Những bài viết của nhà văn Trang Hạ là những lời thủ thỉ, tâm tình đối với những người trẻ và những người không còn trẻ. Rằng bạn hạnh phúc vì bạn dám tự quyết định cuộc đời mình; Rằng vì ta chẳng thay đổi được cuộc sống này, nhưng ta có thể thay đổi cách sống và cách nhìn nhận; Rằng vì yêu nên thấy có nhau trong đời là đủ…
2. Đàn Bà 30
“Những người đàn bà đang đi tới tuổi ba mươi thường hoảng hốt, những người đàn bà vượt qua tuổi ba mươi rồi thường bình yên.
… Vì năm tháng đã trôi qua lặng yên, có thứ đã đến, như thành đạt, như từng trải, như tiền. Nhưng có thứ không níu nổi, như tuổi trẻ. Đàn bà ba mươi tối kị ngồi một mình, nghĩ một mình, làm một mình, và sống quạnh hiu.”
3. Chồng Xứ Lạ
Với kết cấu 53 chương, “Chồng xứ lạ” chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc xen lẫn. Buồn vui, hạnh phúc, đau khổ, chia lìa của những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng xa xứ.
“Chồng xứ lạ” là tiểu thuyết có thật, không hư cấu. Cuốn tiểu thuyết đã vẽ nên bức tranh đa sắc màu về những người phụ nữ Việt Nam đi lấy chồng Đài Loan. Họ phải chịu biết bao cay nghiệt cuộc đời.
7 năm sống và làm việc tại Đài Loan, nhà văn Trang Hạ đã có góc nhìn thực tế về thân phận những cô dâu Việt nơi đây. Đó là những trang viết thấm đẫm chất liệu cuộc sống, giàu giá trị nhân văn sâu sắc.
Cuốn tiểu thuyết “Chồng xứ lạ” ra đời như muốn nhắn gửi chút nỗi niềm cảm thông về số phận bọt bèo, rẻ rúng người con gái Việt, mà hơn nữa là con mắt nhân sinh quan về hạnh phúc và sự tử tế hiếm hoi trong đời mà họ may mắn có được.
“Chồng xứ lạ” còn đem đến cho bạn đọc những bi kịch éo le đời thường. Người Việt làm vợ xứ Đài Loan sẵn sàng dâng hiến, chấp nhận thực tế, yêu người gia trưởng, chuyên quyền, độc đoán lấy bạo lực làm thước đo công lý.
Nội dung xuyên suốt tiểu thuyết như xâu chuỗi lại cả một hành trình đầy trắc trở và chông chênh mà kẻ làm dâu xứ người phải chấp nhận. Đó như là tấn bi kịch của một người phụ nữ Việt Nam khao khát để có được hạnh phúc đích thực.
Nhưng tự sâu thẳm, những người đàn bà yếu mềm này lại hết sức mạnh mẽ và kiên cường khi quyết định cảnh sống chung với người mình không yêu thương. Họ có thể sẵn sàng “đạp đổ” cái cuộc sống viễn vông hiện tại để đi tìm tình yêu chân chính.
Mời bạn đón đọc.