“Những câu chuyện trong cuốn sách là những viên ngọc quý, được kết tinh hàng chục năm mồ hôi, nước mắt, cả thành công và thất bại, đối với thế hệ sau như chúng tôi thực sự đây là những bài học rất sâu sắc về nghề, về nghiệp”. Đó là phát biểu của ông Hà Kim Ngọc – Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Như các tác giả bày tỏ trong Lời tựa cuốn sách, “Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao” không nhằm viết “lịch sử” hay “giáo trình” ngoại giao Việt Nam hoặc hồi ký “mà chỉ muốn qua những câu chuyện về người thật, việc thật, những công việc chúng tôi đã làm, những hoạt động đã từng tham gia, những sự kiện đã từng chứng kiến, những đất nước đã từng đi qua góp phần làm cho mọi người hiểu cho phần nào những điều hay nỗi khổ, điều khôn sự dại của một lớp người đã “sinh ư nghệ, tử ư nghệ” ngoại giao, đồng thời cũng ước sao lớp người sau may ra có thể lượm lặt được đôi điều bổ ích. Cũng xin nói ngay rằng, những câu chuyện trong sách mới chỉ do vài người kể lại. Tuy chúng khá đa chiều vì mỗi người một góc nhìn, một cương vị, một lĩnh vực, một khu vực nhưng chưa thể vẽ nên được bức tranh toàn cảnh về nghề ngoại giao. Lại nữa, đôi chỗ bạn đọc có thể thấy những nhận xét, đánh giá này nọ nhưng đó chỉ là những cảm nhận rất riêng tư, hoàn toàn không phải là sự đánh giá mang tính tổng quan hay những triết lý sâu xa gì về nghề nghiệp”.
Bằng một lối kể chuyện dung dị, nhiều khi dí dỏm, thông qua những trải nghiệm nghề nghiệp phong phú và đa dạng của mỗi người, các tác giả cuốn “Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao” đã kể lại những câu chuyện có thật trong đời hoạt động ngoại giao của mình, không chỉ đem lại nhiều điều bổ ích cho các nhà ngoại giao trẻ mà còn giúp bạn đọc rộng rãi khám phá thêm những điều được coi là “bếp núc” của nghề ngoại giao. Đúng như nhà thơ Việt Phương đã viết trong Lời giới thiệu, cuốn sách là một lời mời chia sẻ với “từng mẩu chuyện, nhỏ nhoi mà lớn rộng, nhẹ nhàng mà ý nhị, như chơi mà rất thật, bình thường mà xúc động, hóm hỉnh mà nghiêm trang, tự nhiên mà điêu luyện, nề nếp mà sáng tạo”.
Trên đây là những lời chia sẻ khiêm nhường của các tác giả, tuy nhiên, người đọc vẫn có thể cảm nhận thấy “Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao” đã được viết ra bằng những tình cảm chân thành nhất và là một trong số rất hiếm hoi, nếu không nói là cuốn sách đầu tiên viết về nghề, về nghiệp ngoại giao.
Với hơn 500 trang viết, cuốn sách được chia thành từng phần riêng biệt của mỗi tác giả nhưng vẫn là một tác phẩm liên kết chặt chẽ với nhau, tác giả này bổ sung, minh họa cho tác giả kia, tạo nên một bức tranh khá sinh động về nghề, về nghiệp ngoại giao.
Mời bạn đón đọc.