Xem sách hay

Chừng Đó Mặt Người Đi Qua – Tập Truyện Ngắn

Mua ở đâu?
Song Khê

Song Khê

Chừng Đó Mặt Người Đi Qua – Tập Truyện Ngắn
Tập truyện ngắn là bộ sách gồm những câu chuyện ngắn, rất ngắn viết về tình bạn, tình yêu, tình gia đình, tình quê hương… khi ồn ào, khi sâu lắng, khi man mác buồn… nhưng tất cả các câu chuyện đều dễ đi vào lòng người bằng giọng văn mộc mạc, giản dị không kém phần sắc sảo của các cây viết nữ trẻ.

Mục Lục:

Đi xem hoang tàn

Lời anh dỗ em khóc ngoan

Ngoại bà bà

Bàn tay

Chừng đó mặt ngườiđi qua

Tháng sáu không mưa

Tôi đi tìm cổ tích

Đèn rừng

Lynh

Nữ tu

Án mạng trong vườn vắng

Đằng sau cửa tròn

Ánh nên lung linh

Nụ cười dị hồn

Phục sinh.

Mời bạn đón đọc.


Chừng Đó Mặt Người Đi Qua – Tập Truyện Ngắn

(Thứ Bảy, 01/03/2008)
Một ngọn cỏ vẫn đâm chồi vượt trên đống hoang tàn để tìm kiếm sự sống, một đôi bàn tay trẻ thơ trong trẻo đủ sức hàn gắn những vết rạn yêu thương, một câu nói nhẹ nhàng “màu đen thì sẽ không có gì nhuộm đen hơn nữa” đủ để làm dịu lòng người trước những ước mơ đổi thay, những điều không thể…

Dường như luôn có một hạt mầm hạnh phúc xuất hiện để xoa dịu những dằn vặt, mất mát trong tác phẩm Chừng đó mặt người đi qua của Song Khê (tác giả của tập truyện Trên lan can – tập truyện nằm trong top 10 tác phẩm hay nhất năm 2007 trong cuộc thi bình chọn sách hay của Báo Người Lao Động).

Có những truyện rất nhẹ nhàng, không nhiều biến động nhưng lại chất chứa những triết lý sâu sắc và gợi nhiều suy ngẫm cho người đọc như: Ngoại bà bà, Tháng sáu không mưa, Tôi đi tìm cổ tích… Nhưng cũng có những truyện tác giả đưa người đọc lạc vào một thế giới khác, một kiếp sống và những mong ước khác, như truyện ngắn Nữ tu. Người đọc dường như chùng xuống cùng cảm giác của nhân vật bị dồn nén trong một thế giới được “bào gọt nhẵn thín” và quá yên bình.

Không ai có thể nhìn thấy hai chiều đối lập của cuộc sống nếu như không thử bước hẳn về phía chiều ngược lại. Vị nữ tu đã vì một phút chết lặng trước cơn bão cuốn trôi mất những người thân yêu mà quyết định vào dòng tu, để rồi lại thảng thốt nhận ra lòng mình không thể phẳng lặng mà còn có những khát khao muốn tìm đến với những bon chen, lặn ngụp ngoài kia. Hai thế giới chỉ cách nhau một cánh cửa, một bước chân. Tất cả những ranh giới đều mỏng manh “nhòe nhoẹt như những cơn mưa rót xuống biển cho nước nhuộm vào nhau, không thể phân biệt giọt nào của đất, giọt nào của trời”.

Truyện ngắn làm chủ đề cho các tập truyện cũng chính là câu truyện ám ảnh và day dứt nhất. Đó là những cuộc đời đi theo một cái vòng tuần hoàn khắc khoải trong xóm chợ, và chỉ có chừng đó mặt người cho những ngày tháng mênh mông. Một anh Út Tàng mỗi ngày cho thuê sạp hàng. Một ông “bánh bò bánh tiêu” ngày nào cũng xuất hiện lúc 5 giờ 30 chiều với “bộ bà ba màu cháo lòng và cái nón sứt vành”. Một bà lão ăn mày ngồi ở góc giường với câu nói “cho năm trăm” hết ngày này sang ngày khác. Mỗi người trong xóm chợ ồn ào ấy đều góp vào cuộc sống một tiếng cười, nhưng khi một mình, họ chỉ còn lại nỗi cô độc đến lặng người. Út Tàng đắng đót nghĩ về tương lai mịt mù của một kiếp sống mồ côi, ông lão bán bánh bò bánh tiêu “bao nhiêu năm tóc bạc mái đầu” mà vẫn chỉ khàn một tiếng rao. Nhưng rồi lặng lẽ trong vòng mưu sinh ấy là tình người, là những nét đẹp tâm hồn đủ để mỗi người nhận ra và tìm đến với nhau.

Những câu truyện đều man mác buồn, nhưng kết thúc của nó không phải là nỗi buồn mà là mở ra một cách nhìn mới, lạc quan hơn. Dễ thấy điều này trong các truyện ngắn Đi xem hoang tàn, Bàn tay, Lời anh dỗ em khóc ngoan, Tôi đi tìm cổ tích, Đèn rừng…

Cũng chính nhờ những kết thúc lạc quan, như có những hạt nước mát lành rắc qua miền nắng hạn ấy, mà người đọc tin rằng cho dù cuộc sống có nghiệt ngã đến thế nào thì trong mỗi người cũng vẫn giữ được phần trái tim rất sáng. Nơi đó là niềm tin, là ước vọng, là yêu thương – mãi mãi như những cánh sóng dẫu qua bao thăng trầm giữa trùng khơi vẫn tìm về với bến bờ.

Tiểu Quyên

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


 
Mua ở đâu?