Sinh tại Huế, Vĩnh Quyền là tác giả của tiểu thuyết: Vầng trăng ban ngày, Mạch nước trong, Trước rạng đông; các tập truyện ngắn: Người tử tù không chết, Người vẽ chân dung thế gian, Màu da thượng đế…
Sau bức màn đen của trò đời
Dưới mỗi trang văn, Vĩnh Quyền luôn khéo léo giấu mình. Và hơn nữa, anh cũng giấu luôn diễn biến nhịp truyện. Người đọc ngay từ ban đầu, hoặc khi đã đi đến gần hết truyện, vẫn khó nắm bắt người đàn ông này đang dẫn người ta đi đến đâu trên con đường lênh chênh ổ gà, hai bên là hoa dại không tên phủ gai, không gian được tạo dựng bởi những hoang hóa cảm giác không thật. Cái kết, thường là rất bất ngờ và mang màu sắc hoang tưởng. Để sau mỗi truyện ngắn của Vĩnh Quyền, người đọc tự sáng tỏ một điều, những cái mà tưởng rành rẽ, mắt thấy tai nghe tạo ra xúc cảm từ trong lòng đều hư huyễn. Muốn đến tận cùng sự thật, phải tới gần mà vén bức màn đen của trò đời dựng lên.
Như trong truyện ngắn Chiều hoang đường đứt gãy, nhân vật Mỵ bị tấn công bởi những thứ âm thanh mà cô chắc chắn là từ cuộc ái ân của cặp trai gái phòng sát vách: "Không hẳn lời thì thầm khuyến dụ, hay nụ hôn kêu chụt, hay nhịp thở dồn dập, nói chung là những thanh âm, tiếng động có thể có của một cuộc ái ân con người, mà còn cả gào thét man dại, kêu khóc tức nghẹn…
Mỵ đi từ tâm trạng bị quấy rối bứt rứt đến vạ vật, ám tưởng những gì đang diễn ra bên kia vách gỗ"… "Không thể tin hai con người thanh nhã trầm buồn kia vừa bước ra từ một cuộc truy hoan ầm ĩ bệnh hoạn". Nhưng đến khi kết thúc, sau trận động đất, nhân vật John – tác giả của những truy hoan ấy – bị tai nạn bởi động đất, Mỵ mới có dịp khám phá nơi đã kích động tinh thần cô đến điên loạn, hóa ra lại là phòng chiếu những cảnh phim chết chóc chiến tranh. Những người phụ nữ đến với John không phải ân ái mà là tìm ký ức của người thân.
Đọc kết thúc truyện thấy quá chừng phi lý, bởi tài liệu chiến tranh và sự khóc lóc đau đớn nhớ thương thì sao thể liên quan đến cảnh dục tình bệnh hoạn? Hay chăng sự phi lý không nằm trong tư duy người viết, mà chính là ảo giác của Mỵ? khi cô tự đưa mình vào thế giới dằn vặt, khổ sở, cô đơn, phẫn uất. Mà thế giới ấy lại chính từ tâm cảm của Mỵ hiện bày ra?
Văn là người?
Khi đương đọc sách, không ít độc giả nghĩ, văn chính là người. Tác giả, dù khéo léo đến đâu cũng khó giấu cái "tôi" từ con người mình đằng sau trang văn, để rồi, không ít người thất vọng sau đó. Cái thất vọng, nằm trong sự hi vọng, rằng cứ là nhà văn thì nên là nói ra văn, thở ra tư tưởng hay ít ra cần tỏ rõ sự uyên thông đông tây kim cổ cái gì cũng biết, hoặc đóng vai chính nhân quân tử đi lại thong dong trong cõi người.
Văn là văn, người là người. Và dĩ nhiên, đừng nhìn nhà văn Vĩnh Quyền (qua ảnh), trông chừng vẻ người lãng đãng, tài tử, tóc dài, mắt kính tròn, hàng ria con kiến được cắt tỉa kỹ, áo xống lịch lãm mà nghĩ văn trong tập truyện này cũng từa tựa chủ, thế là lại nhìn mặt bắt hình dong rồi. Văn của Vĩnh Quyền không giống gì vẻ ngoài của anh, trên thực tế, dù dùng lắm từ mềm mại đẩy đưa, thì tựu trung, vẫn mang vẻ lạnh lẽo và khô hơn cả đất cằn bởi lâu ngày dưới nắng nóng.
Trong truyện của Vĩnh Quyền, hễ nhân vật nam xuất hiện, thể nào cũng có người nữ nằm kế bên. "Hai người đã quắp lấy nhau, nhập vào nhau gấp gáp, yêu toàn tâm toàn lực…". Phải nói thực thà rằng, Vĩnh Quyền có vẻ ưa kể chuyện ái tình. Nhanh tay giở chục trang trong tuyển tập Chiều hoang đường đứt gãy cũng có thể gặp vài hình ảnh lặp lại này với cách miêu tả không khác gì nhau. Nào điên cuồng, nào gấp gáp, rồi buồn thương. Nào… chỉ dừng lại có thế.
Cái nhìn của kẻ thứ ba
Lặng lẽ quan sát, nhà văn ưa thích lối kể chuyện từ cái nhìn của kẻ thứ ba, giống như là viết ra kịch bản phim sao cho đạo diễn có thể mường tượng mà dựng cảnh, chứ không từ bên trong nhân vật nhìn vào.
Vĩnh Quyền kể chuyện nhiều hơn là làm văn. Câu viết ra đơn giản, cách kể đủng đỉnh dù ưa dùng những câu ngắn. Giấu hết cảm xúc từ người viết, thuần túy là miêu tả bên ngoài diễn biến câu chuyện mà anh có thể tưởng tượng (hay do ai đó kể lại, hay được nghe bởi người khác), thế nên, bảo Vĩnh Quyền viết lạnh và khô cũng hợp lẽ.
Sinh năm 1951, truyện ngắn của nhà văn Vĩnh Quyền dĩ nhiên mang nhiều sự từng trải. Không gian trong truyện của anh thật rộng, từ Việt Nam đến Nhật, đến Mỹ… nhân vật cũng nhiều quốc tịch với tên nước ngoài chung chung. Ấy vậy, đất Huế, quê hương tác giả, vẫn mở ra một khoảng nhớ thân thương:
"Trên đồi thông, chùa cổ ẩn hiện sau mù sương. Tiếng chuông mõ, tiếng tụng kinh chiều truyền theo sông về xuôi (…) Gió đảo, kinh kệ bay dạt làm nổi điệu lý tình" (Sau lưng Phật. T192)
Về Huế, thì khói chiều lam, mùi hương trầm, tiếng chuông chùa, đồi thông hút gió… khó làm cho giọng văn cứng cỏi, nên bỗng dưng như đổi khác, giọng kể của Vĩnh Quyền cứ mềm đi, như lời điệu hò trên dòng sông thăm thẳm.
Đọc truyện Vĩnh Quyền dễ quên, bởi mọi hình ảnh trong truyện ai đó cũng đều gặp thành quen, thành khó đọng lại trong ký ức để nhớ.
Đọc truyện Vĩnh Quyền cũng lại gây ấn tượng, bởi cách thay đổi tuyến tính truyện đột ngột và hơi "cưỡng bức" của tác giả. Lúc này, vị trí người sáng tác mới hiện bày ra. Mọi sự không tự nhiên như ban đầu người đọc tưởng, mà hoàn toàn được sắp xếp bởi tư duy tác giả.
Ấy thế, mắt vẫn bị hút vào để đọc xong toàn bộ truyện, bởi sự dẫn dắt của người bạn đường nhiệt thành.
Thì tại sao không đi trên con đường này, dù chẳng thể nào biết trước điểm đến?
(Báo thethaovanhoa.vn giới thiệu 26/5/2013)
Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn