Trong văn học sử Việt Nam, Ký sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận như một ví dụ tiêu biểu về thể loại ký sự, bên cạnh Thương kinh ký sự của Lê Hữu Trác và một số ít tác phẩm khác.
Ký sự Cao Lạng là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược. Tác phẩm có tham vọng phản ánh trọn vẹn một chiến dịch lớn, đồng thời là chiến dịch tiến công đầu tiên của quân đội ta.
Nhật Ký Chiến Dịch rút từ sổ tay của Nguyễn Huy Tưởng những ngày tham gia Chiến dịch Biên giới, bắt đầu từ 14 tháng 7 năm 1950 – ngày tác giả lên đường ra mặt trận một buổi trưa nắng dữ và kết thúc ngày 7 tháng 11 năm 1950, tác giả kỷ niệm 11 năm ngày cưới của mình bằng một quyết tâm: Ta nhất định phải có tác phẩm cho kháng chiến, cho chiến dịch. Với quãng lùi hơn nửa thế kỷ, những trang nhật ký này của Nguyễn Huy Tưởng giờ đây trở thành những tư liệu vô cùng quý giá. Một mặt, nó cung cấp những tư liệu đối chiếu hết sức thú vị giúp bạn đọc hiểu thêm về một tác phẩm đã được viết ra như thế nào, bắt đầu từ những chất liệu gì… Mặt khác, những trang nhật ký đó, với tư cách là những ghi chép riêng tư của tác giả, chứa đựng những trải nghiệm, những suy nghĩ, quan sát dưới dạng nguyên sơ nhất, và do vậy mà cũng cảm động và chân thực nhất.