Trần Nhã Thụy
Nhà văn Trần Nhã Thụy tên thật là Trần Trung Việt, sinh ngày 17.12.1973 ở Quảng Ngãi. Từ năm 1991 đến nay học và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn – báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.Hiện làm việc tại Ban …
- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Trần Nhã Thuỵ dẫn dụ người đọc đi theo những lối nhỏ bất ngờ, và vừa khi chớm đến đại lộ của một hiện thực rộng lớn thì nhà văn rời bỏ chúng ta, câu chuyện kết thúc. Để chúng ta giữa hai chọn lựa: hoặc đi tới trước, đi thẳng vào một phương diện xã hội mà tìm hiểu và phát hiện; hoặc đứng đó hồi nhớ lại một phương diện mỹ học của cuộc đời. Cách nào thì chúng ta cũng thấy thú vị và cũng đem đến cho ta ít nhiều gặt hái.
Với phương diện thứ hai này, mỗi trang truyện ngắn của Trần Nhã Thuỵ tiết lộ một bí mật quan trọng đại diện cho cách thế “ở đời” của nhân vật. Đó có thể là khoảnh khắc anh chàng ngồi ôm tấm kính đằng sau xe máy, bất chợt nhìn thấy cuộc sống vừa xa lạ, đa tạp, vừa như một thách thức soi chiếu vào đó, nhưng không việc gì phải trầm trọng hoá nó lên, không việc gì phải hoảng sợ nó. Anh chỉ hơi lo buồn một chút, nhưng với “góc nhìn” oái oăm đó, anh nắm bắt cuộc sống, và đó là cũng cách riêng để anh xuất hiện sinh động giữa trùng vây khó khăn. Tương tự, nếu không có “anh chàng trẻ măng ở phố treo đầu” nằm dài trên chiếc xe máy, ngửa mặt nhìn lên, thì những đám mây đang bay trên trời kia… không có lý do tồn tại. Giữa phố xá chật chội, anh vẫn tìm cho mình một chỗ nằm để… chiếm hữu bầu trời. Và nếu không có anh chàng xe ôm thèm hôn đến thẫn thờ buổi sáng hôm ấy, thì liệu có còn ai nghĩ tới giá trị thực sự của một nụ hôn yêu đương giữa đời sống xô bồ này?
Với những truyện ngắn và thế giới nhân vật của Trần Nhã Thuỵ, cuộc sống đang được khôi phục lại từ một trong những nguyện liệu ban sơ mà thiết yếu nhất, đó là tính tự khởi (spontaneity) giản dị của mỗi người – nguồn mạch thực sự của cuộc sống lành mạnh, chứ không phải những cấu trúc phức hợp của xã hội hiện đại, là thứ về bản chất chỉ chực chờ nuốt chững nhân tính.
Đó là khám phá sáng tạo, cái làm nên nét độc đáo của truyện ngắn Trần Nhã Thuỵ.
“… Anh chàng, có lẽ chỉ đang ở tuổi vị thành niên. Dáng mảnh khảnh, tóc bồng bềnh, khuôn mặt đẹp sáng ngời… Anh chàng hầu như mặc đi mặc lại một hai bộ đồ cũ, nhưng khá sạch. Chàng trẻ măng thường khe khẽ hát trong khi làm việc. Không thích ngồi yên. Chàng trai dựng chân chống đứng từng chiếc xe gắn máy, rồi xích qua chỉnh lại cho ngay ngắn. Khi có một chiếc xe, anh chàng đứng bên búng chân nhảy vèo qua. Khi có hai chiếc xe, anh chàng đứng cách một mét rồi tung người qua. Khi có ba chiếc xe, anh chàng lấy trớn ba mét. Năm chiếc xe, anh chàng bước lùi mười mét rồi tăng tốc.
Chàng trẻ măng bay người, chân lướt qua năm cái yên xe. Nhưng chẳng có một tiếng vỗ tay. Quán vắng từ sáng cho đến khuya. Chàng trẻ măng không biểu diễn. Nhưng, có lẽ buồn nên nhảy chơi thôi…” (Trích truyện ngắn Chàng trẻ măng ở phố treo đầu).
Mục lục:
Đôi dòng
Cửa sau thành phố
Cô gái trên tàu
Ghi chú về những tấm gương
Linh tinh chuyện linh chi
Chú bé trên cầu
Những bông lúa chín phạt tôi
Người pê đê già
Xảy ra ở thị trấn thứ ba
Chàng trẻ măng ở phố treo đầu
Thèm… hôn
Sự cố hàng không
Thời gian xao động
Đệ tử haiku
Chàng bán mía
N. mất tích.
Mời bạn đón đọc.
Chàng trẻ măng ở phố treo đầu
Tập truyện của Trần Nhã Thụy (NXB Hội Nhà văn), theo tác giả: “Đây cũng có thể xem là tập truyện viết tặng những người tuổi trẻ” (Đôi dòng, tr.6)
Tập truyện của Trần Nhã Thụy (NXB Hội Nhà văn), theo tác giả: “Đây cũng có thể xem là tập truyện viết tặng những người tuổi trẻ” (Đôi dòng, tr.6)
Trần Nhã Thụy viết về những mảnh đời trẻ, có vài người già nhưng tâm hồn còn trẻ. Họ có cuộc sống bình dị trong xã hội thành thị mà bất trắc luôn rình rập. Đa số xuất thân từ đồng ruộng, tâm hồn còn trong sáng, chân chất, như chàng thanh niên mới 19 tuổi, phụ việc ở tiệm kính, chưa có kinh nghiệm gì về gái gú, đàn bà. “Kinh nghiệm duy nhất của tôi là, với đàn bà, con gái ban đêm họ đẹp hơn ban ngày. Tôi biết được điều đó là nhờ hồi ở quê có mấy đêm đi tán gái”. (Ghi chú về những tấm gương, tr. 45). Như chàng trẻ măng ở phố treo đầu, giữ xe cho một quán ốc đông khách, thích nằm dài trên yên xe, ngắm mây trời và khép mắt hát khe khẽ… Như chàng bán mía ngày qua ngày lặng lẽ kiếm sống bằng những cây mía dài trên chiếc xe ba gác cà tàng, không màng đến cuộc sống muôn màu muôn vẻ diễn ra quanh mình, “… bán cả ngày tối về mệt đứt hơi, lăn ra là ngủ, cũng chẳng bồ bịch gì, cái lưng em giờ làm việc kia cũng không được. Nhục” (Chàng bán mía, tr. 175). Hay cô gái chân quê là nhân viện phục vụ bàn trên tàu du lịch, muốn hòa nhập với lối sống đô thị hiện đại nhưng cuối cùng lặng lẽ bỏ việc mà chính ông chủ tàu cũng không hiểu nguyên nhân. “Tôi cứ nghĩ nó là một đứa vui vẻ, đơn giản. Hóa ra cũng phức tạp…” (Cô gái trên tàu. tr.36).
Truyện ngắn của Trần Nhã Thụy là một phức hợp của nhiều chi tiết được chắt chiu, gạn lọc như đãi cát tìm vàng từ cuộc sống thường ngày, mà nhiều khi chúng ta thờ ơ với chúng. “Giờ này chắc bà mẹ còn đang mải kỳ kèo trả giá ngoài chợ, có khi đi về được nửa đường bà sực nhớ là quên mua hai trăm đồng bạc ớt khuyến mãi nhánh hành ngò” (Cửa sau thành phố, tr. 19). Hay: “Tôi chưa thấy đứa trẻ nào vào vườn thú một mình, trừ trẻ bụi đời. Nhưng trẻ bụi đời vào vườn thú không phải xem thú mà để ngủ. Người lớn vào Vườn Thú một mình cũng không phải để xem thú mà là để… liếc nhau”. (Chú bé trên cầu, tr. 72). Nhưng cách của Trần Nhã Thụy là biết “đặt chuyện” một cách trầm tĩnh để tạo “những cú nhảy ngẫu nhiên ra khỏi con đường quen, có thể chẳng đi tới đâu, có khi đâm chúi vào bụi cây. Nhưng vậy là vui”. (Đôi dòng, tr. 6). Và trong tập truyện này có nhiều truyện mà tác giả đã “bắt” độc giả phải “đâm chúi vào bụi cây” vì những yếu tố bất ngờ thú vị! Chẳng hạn một anh chàng xe ôm đã có vợ con đàng hoàng nhưng vẫn thèm… hôn. Vì “nếu gọi là hôn cho ra hôn thì chỉ có mỗi con vợ em!” (Thèm… hôn, tr. 128), và cũng vì thèm hôn mà mất mối khách quen.
Có rất nhiều điều oái oăm và “tréo ngoe” trong cuộc sống như vậy đã được Trần Nhã Thụy khai thác một cách thông minh và hóm hỉnh. Và với cách viết “như gió thoảng, như mây bay”, vì “không đặt những tham vọng kiểu như “nội dung, tư tưởng tác phẩm” lên đâu cả” (Đôi dòng, tr. 7) nên người đọc sau khi đọc hết tập truyện sẽ dễ dàng nhận ra cuộc sống quanh ta thật lý thú, đáng quan tâm và đáng yêu hơn.
Lê Ký Thương
(Nguồn: Báo Người Lao Động)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn