Câu Chuyện Phát Triển & Hạnh Phúc
Cuốn sách này tập hợp những bài viết về giáo dục, văn hóa, xã hội của các tác giả mà tên tuổi của họ từ lâu đã rất quen thuộc với độc giả cả ở trong lẫn ngoài nước. Đó là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa như: Hoàng Tụy, Phạm Duy Hiển, Trần Văn Thọ, Vũ Quang Việt, Nguyễn Văn Trọng, Bùi Văn Nam Sơn, Nguyên Ngọc, Nguyễn Tường Bách, Nguyễn Tùng, Nguyễn Nghị, Trần Hữu Quang. Nhiều người trong số các tác giả này đã có những đóng góp quan trọng cho khoa học cũng như cho đời sống kinh tế, văn hóa của cộng đồng, xã hội. Không chỉ thế, họ còn có những hoạt động thực tiễn góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước trên nhiều phương diện.
Bằng sự hiểu biết sâu rộng và nhất là với tâm huyết và ý thức trách nhiệm của người trí thức quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của đất nước, họ đã nhiều lần phát biểu, trình bày ý kiến mang tính xây dựng về những vấn đề bức thiết trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa, xã hội… đặc biệt là giáo dục trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó có Thời Báo Kinh tế Sài Gòn. Điều đáng nói là mặc dù các ý kiến này thường được phát biểu rải rác, nhiều khi gắn với diễn biến thời sự nhưng có thể thấy tất cả đều xuất phát từ quan điểm tiếp tục đổi mới, từ góc nhìn nhân văn, từ quá trình trải nghiệm, suy tư – và cả nỗi ưu tư – về nguyên nhân dẫn đến những tình trạng đáng buồn trong đời sống văn hóa, xã hội, nhất là trong giáo dục hiện nay. Và không chỉ dừng lại ở sự phân tích, báo động, họ còn nêu lên những kiến nghị, những đề xuất, cả cấp thời lẫn dài hạn, đối với việc hoạch định chính sách. Chính vì vậy các ý kiến này đã thu hút được sự quan tâm của nhiều giới trong xã hội.
Bên cạnh đó, các tác giả còn quan tâm bàn luận về những vấn đề mang tính triết lý mà con người thời nay không thể không có lúc tự vấn và đi tìm câu trả lời phù hợp với mình; đó là các vấn đề về niềm tin, về điều thiện, về hạnh phúc……
Cuốn sách này tập hợp gần 50 bài viết đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn gần 10 năm qua của 11 tác giả, được sắp xếp theo từng nhóm vấn đề: văn hóa và phát triển; giáo dục – khoa học – y tế; triết lý và cuộc sống; những câu chuyện lịch sử – dân tộc học. Bố cục này dù sao cũng mang tính chất tương đối, chủ yếu nhằm giúp độc giả tiện theo dõi.
Qua tuyển tập này, độc giả sẽ có dịp cùng các tác giả nhìn lại và suy gẫm về thực trạng văn hóa – xã hội đang khiến chúng ta băn khoăn, thao thức. Và trong dịp tiếp xúc cởi mở này, hy vọng rằng độc giả sẽ có sự đồng cảm, chia sẻ với những suy nghĩ và đề xuất của các tác giả trong tuyển tập này.
Mời bạn đón đọc.