Câu Chuyện Ẩm Thực Dưới Góc Nhìn Lịch Sử
Từ lâu tôi đã quan tâm đến chuyện ăn uống. Mỗi khi được ăn một món ăn lạ, tôi thường có thói quen muốn hỏi cho ra ngọn nguồn của những món ăn đó. Thậm chí còn muốn tìm hiểu xem cách nấu ra sao. Đi đến đâu, tôi cũng tìm hiểu xem nơi mình đến có những món ăn gì lạ. Trong những lần bàn luận về chuyện ăn uống với nhà dân tộc học Từ Chi, tôi đã được nghe ông nói về những món ăn Huế có xuất xứ từ món ăn Mường. Rồi qua quan sát của mình, tôi lại nhận thấy nhiều món ăn Huế đều có cùng tên gọi trong các món ăn ở Thanh Hóa, chỉ khác đôi chút ở cách chế biến và trình bày. Phải chăng chúng đều có xuất xứ từ một gốc mà ra? Vì Thanh Hóa vốn là nơi phát xuất của các chúa và vua triều Nguyễn và người Thanh Hóa cũng chiếm số đông trong những di dân đầu tiên từ miền Bắc vào Huế. Cho nên qua ăn uống ta có thể biết được những nét văn hóa riêng của từng vùng, của từng tộc người.
Chính vì những băn khoăn đó đã khiến tôi phải tìm đọc về các tập tục ăn uống dưới cái nhìn lịch sử. Từ đó tôi có ý định chia sẻ với bạn đọc về những suy nghĩ của mình. Tôi không dám lạm bàn về việc thưởng thức khi ăn uống, vì đấy là những cảm nhận của những người sành ăn (gourmet), mà các bậc đi trước như Tản Đà, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… đã từng viết nhiều. Vả lại, để trở thành một người sành ăn, có thể đánh giá các món ăn bằng vị giác, khứu giác, thì phải có những biệt tài riêng, không phải ai cũng có thể bình phẩm được.
Đây chỉ là những bài báo, kể lại những cảm nhận của mình, chứ không phải là công trình nghiên cứu khoa học, nên tôi không dẫn xuất xứ những tài liệu đã sử dụng. Tôi chỉ tiếp thu những tài liệu nào đọc được và quan sát thích hợp với nhận thức của mình. Nếu bạn đọc nào thấy có chỗ trích dẫn chưa đúng thì mong nhận được những lời phủ chính.
Mời bạn đón đọc.