Cánh Đồng Lưu Lạc
Đặt tên tiểu thuyết là “Cánh đồng lưu lạc” vừa mang ý nghĩ biểu trưng vừa có tính khái quát cao, nhà văn Hoàng Đình Quang đã mở ra một không gian nghệ thuật đặc sắc. Đó là nông thôn với hiện thực bất ổn, xê dịch, những kiếp người phiêu dạt và khát vọng nhân sinh. Cánh đồng lưu lạc “theo nhiều người già kể lại có lẽ nó được khai phá bởi những người dân lưu lạc tứ xứ kéo đến đây”( trang 12). Lời giải thích lịch sử cánh đồng đã dự báo về những cuộc hành trình nối tiếp nhau đi tìm bản thể. Nền văn minh nông nghiệp Việt Nam tự bao đời vốn ở trạng thái tĩnh, ao tù nước đọng, cây đa bến nước sân đình…Nhưng trong thực tế từ xa xưa cho đến bây giờ nông dân vẫn thực hiện những cuộc di dân tìm miền đất mới. Họ ra đi mong thoát cảnh đói nghèo, u mê, trì trệ, tìm câu trả lời cho số phận, nhưng thôi thúc từ trong sâu thẳm là khát vọng sống, khát vọng làm người. Nhân vật Hoan, thầy giáo làng xuất thân từ nông dân đã chỉ ra căn nguyên sâu xa của cảnh đời lưu lạc: “Làm ruộng…một thứ lao động truyền đời, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Không. Tôi không nói đến cái gian khổ…tôi nói đến sự tù túng, quẫn bách của thói nhà nông” (trang 25). Thì ra, không phải nỗi khổ thể chất mà chính là nỗi đau tinh thần đã dồn đuổi con người quăng quật, xô đẩy trong dòng đời biến động, bất trắc và vô tận.
Hoàng Đình Quang viết về làng Sơn Cốt, quê hương ông, một vùng quê mang đậm đặc trưng nông thôn Bắc bộ, như nhà văn thừa nhận là có đủ hạng người: gã ngốc, kẻ ăn mày, người anh hùng, ông đồ, giáo sư …Và trong bối cảnh giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ cùng với sự thâm căn của cơ chế quan liêu bao cấp.
Cũng như bao tiểu thuyết hiện đại viết về nông thôn khác, “Cánh đồng lưu lạc” đề cập đến cái đói, miếng ăn, sự lạc hậu, tối tăm, tha hóa. Ám ảnh người đọc bởi những ngôi nhà “vách đất, mưa gió bào đến trơ mòn”; những năm đói kém cả làng thèm thịt mỡ, người nhà quê thường giễu là “tí mũi”; những cậu bé tuổi ăn, tuổi lớn ra đồng với ba củ khoai, đói quá nằm dưới gốc sim mà khóc. Sự thiếu thốn, khan hiếm vật chất và chế độ phân phối, khiến người ta ao ước, nâng niu từng đôi pin, cân đường…
Đó là cái phông hiện thực vừa ảm đạm vừa hài hước theo cách nhìn của Hoàng Đình Quang, nhưng ông không khai thác sâu cái phông đó như nhiều tiểu thuyết viết về nông thôn từng làm. Cảm hứng sáng tạo của Hoàng Đình Quang hướng đến một “chiều kích” khác, với một lối đi riêng rất âm thầm ráo riết là khám phá thế giới tinh thần của những con người có gốc gác nông dân thông qua bi kịch thân phận của họ.
Hơn 30 nhân vật trong tiểu thuyết được nhà văn dựng lên trong mối quan hệ gắn kết nhưng có đời sống riêng sâu sắc, vận động trong cái không gian, thời gian nghệ thuật khá tiêu biểu. Ngoài cuộc lưu lạc khởi thủy vùng đất, cuốn tiểu thuyết tập trung mô tả những cuộc lưu lạc của bốn nhân vật bươn trải trong hiện thực khắc nghiệt, với những dằn vặt tinh thần nhưng không hiếm những khoảnh khắc bay bổng, lãng mạn.
Mời bạn đón đọc.