Các Tác Giả Văn Chương Việt Nam (Trọn Bộ 2 Tập):
Với trên ba ngàn trang sách, tập hợp và giới thiệu hơn một nghìn nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà nghiên cứu – lý luận – phê bình văn học, các tác giả văn chương Việt Nam có lẽ là công trình khoa học đầu tiên có quy mô rộng rãi nhất mà người đọc chúng ta vẫn chờ đợi.
Từ tác giả đầu tiên mà chúng ta được biết và tác phẩm còn giữ được cho đến ngày nay là Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu (933 – 1011) cho đến những tác giả sinh ra và cầm bút từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất 30 – 4 – 1975 như Nguyễn Ngọc Tư là cả một khoảng thời gian hàng chục thế kỷ.
Trong những bước biến động, thăng trầm của lịch sử, và nhất là trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta biết không ít tác giả Việt Nam đang sống và làm việc ở bất cứ nơi nào nhưng sáng tạo văn học dưới ánh sáng của tình tự dân tộc, Tổ quốc thì tác phẩm và tác giả thuộc về dân tộc.
Còn một điều nữa là, do những hạn chế trong quan niệm ý thức hệ một thời, có những tác giả chúng ta vẫn biết, vẫn đọc, nhận chân được giá trị, song không khỏi ngại ngần mỗi khi nhắc đến, giờ đây với sự cởi mở và hòa hợp, chúng ta đã có thể lấy lại một phần công bằng. Những thay đổi của lịch sử, của thời đại, biện chứng của hiện thực, của cách mạng đã giúp chúng ta có một nhãn quan khách quan, khoa học hơn. Và chúng ta hiểu, điều này chỉ giúp làm giàu có, tinh tế, đa dạng nền văn hóa – văn học dân tộc chúng ta. Có thể chưa phải là đầy đủ tất cả, toàn vẹn tất cả, điều này phần nào do những hạn chế từ hoàn cảnh khách quan, song là điểm mạnh dạn mới mẻ đáng trân trọng, ghi nhận ở các tác giả văn chương Việt Nam được ấn hành lần này.
Người tổ chức, biên soạn công trình dầy dặn này nhắc đi nhắc lại rằng ông không phải là nhà văn, là kẻ ngoại đạo, rằng ông chỉ có một điều duy nhất là tình yêu tha thiết với văn chương. Một tình yêu gần như là định mệnh từ thuở cắp sách đến trường. Nhưng liệu có mấy nhà văn, nhà nghiên cứu văn học thực hiện được công việc như ông đã thực hiện. Liệu có người nào tâm huyết với nghề văn như ông.
Stefan Zweig trong một lần nhắc đến những tác phẩm của mình đã viết rằng: Chỉ những gì mà người ta muốn giữ gìn cho mình mới có quyền được giữ gìn cho những người khác. Tác giả của các tác giả văn chương Việt Nam có lẽ cũng đã bắt đầu từ lòng mến yêu, muốn cất giữ những tư liệu, những hình ảnh của các nhà văn, nhà thơ mà ông quý trọng trước hết là cho riêng mình, những vẻ đẹp thấm lòng và những ý tưởng sâu sắc mỗi đêm đêm cảo thơm lần giở trước đèn… Song mỗi cuốn sách đều có một số mệnh. Đương nhiên, cuốn sách này đã có được do sự làm việc miệt mài, cần mẫn trong nhiều năm tháng, là tử công phu như người xưa vẫn nói. Song ở một khía cạnh khác, nó lại như là tình cờ, như là trời cho, để tưởng thưởng cho những ai thật sự yêu văn chương, cho người biên soạn Trần Mạnh Thường.
Mục lục:
Thay lời tựa
Trước khi vào sách
Anh Chi
Bà Huyện Thanh Quan
Bùi Đình Thi
Ca Văn Thỉnh
Cao Bá Quát
Chính Hữu
Diệp Minh Tuyền
Dương Bá Cung
Đào Duy Từ
Giang Nam
Hoàng Bình Trọng
Hoàng Cầm
Hồ Chí Minh
Khổng Dương
Lê Đình Thám
Lý Công Uẩn
Nam Hà
Ngô Đức Kế
…
Mời bạn đón đọc.