Xem sách hay

Buồn Làm Sao Buông (Tái Bản 2017)

Mua ở đâu?
Anh Khang

Xuất thân là một học sinh chuyên Văn của Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong Tp. Hồ Chí Minh, Quách Lê Anh Khang được nhiều bạn bè đồng trang lứa biết đến với các thành tích nổi bật như Huy chương vàng Olympics Truyền thống 30/4, Thủ khoa kỳ thi Học sinh Giỏi …

Cuộc đời vốn nhiều nỗi buồn, hẳn vậy. Có điều, tôi lại dành khá nhiều nỗi buồn của những ngày còn trẻ cho duy nhất một điều – là Tình yêu. Nghe qua có vẻ vị kỷ, bởi ngoài kia còn biết bao điều đáng để chùng chân, nặng lòng và nghe nước mắt lưng tròng rơi, tại sao cứ phải cố chấp vì tình yêu đã cũ mà tự làm mòn xói đi cảm xúc của mình?

Chắc bởi vì có những ký ức dù đã hao gầy cách mấy nhưng giống như không khí vậy, cứ phải nhắc đi nhắc lại, tựa hơi thở một phút phải đủ chừng ấy lần. Chỉ cần thiếu mất sẽ không thở được, thậm chí phải ngừng nhịp tim đi. Thế nên, chừng nào còn thở là chừng ấy còn nhớ và buồn. Đều đặn. Bình lặng. Kiên tâm.

Ký ức sở dĩ không thể mất mát là bởi chúng ta còn quá trẻ trước trăm năm, những ngày đã qua xem ra ít ỏi lắm nếu so với con đường còn dài trước mắt. Vì lẽ đó mà những lần đầu tiên chạm ngõ ký ức luôn để lại trong lòng những xốn xang, bần thần và khắc sâu hơn cả. Cái nắm tay đầu tiên, nụ hôn đầu tiên, người thương đầu tiên… nghiễm nhiên trở thành không khí tiếp thở cho ta mỗi ngày. Dẫu rằng chuyện hai đứa mình ngày xưa ấy, nhắc lại bây giờ chỉ thấy toàn những đổi thay. Có buồn đến thế, có thở dài nhiêu khê, thì chuyện cũ – người xưa của khoảng thanh xuân đầu tiên sẽ luôn được trí nhớ gọi về.

Vậy thì liệu bạn có thể đọc những dòng viết dưới đây bằng tất cả sự vị tha của mình – như một người-chớm-già vị tha cho đôi sợi tóc bạc len lén mọc trên mái đầu xanh? Bởi trước khi kịp già, hẳn ai trong chúng ta cũng phải trải qua dăm ba ngày trẻ như thế, chỉ thấy bản thân một mình bầu bạn với nỗi buồn, nỗi cô đơn, nỗi cự tuyệt… Tất cả đều bắt nguồn từ lúc người ấy bỏ đi, để lại riêng ta cùng với miên trường niềm thương thân vị kỷ. Xin hãy hiểu cho đỉnh điểm cao nhất của cô đơn không phải là một mình, mà là trong tim đã có sẵn một người nhưng bên cạnh thì trăm ngàn người không ai giống vậy.

Chúng ta đều biết ơn đời sống đã thi ân quá nhiều cho phần số của mỗi người. Được sống, đã là một ơn may, nhưng đôi khi trong bản vẽ phước phận cũng chệch tay khiến đọng lại những vết lem tựa nước mắt rơi phải làm nhòe. Bởi thế, cuộc đời – về cơ bản – không hề buồn, nhưng từ khi người xuất hiện, nó mới buồn miên mải. Có điều thiên hạ cứ suốt ngày bảo “chán đời” xong vẫn phải sống tiếp đó thôi. Vậy thì mạnh miệng nói “chán người” cũng có buông bỏ được người đâu?

Câu hỏi ấy tôi đã từng tự hỏi trong suốt những ngày mà lòng còn hướng về riêng-duy-nhất-một người. Rồi chợt nhận ra, có những kỷ niệm xứng đáng cho chúng ta phải tranh đấu không ngừng với thời gian, với lòng người, với sân si thương giận… để nắm giữ nó đến trời cùng đất tận.

Nhưng, trời cùng đất tận, rốt cục cũng không đáng sợ bằng một chữ – Quên. Thế nên, cũng phải đến một lúc nào đó, lòng bỗng thấy nhẹ tênh như nắng chiều la đà sắp rớt và thấy từ xa có bóng người khuất dần vào hoàng hôn chuyển tối. Tắt ngóm. Tắt lòng. Thế là cũng xong.

Có những nỗi buồn ta quẩn quanh trong ấy, có những kỷ niệm dù thiết tha đến vậy hay có những con người ta đắm say cách mấy, cũng phải đến ngày học cách buông tay.

Vì bạn biết đó, chúng ta chỉ có hai tay, nếu cứ dùng dằng níu kéo những điều đã mất thì còn sức lực nào nữa để nắm thật chặt thật chắc hạnh phúc? Phải học cách buông bỏ nỗi buồn để đôi tay thảnh thơi mà nâng chiều niềm vui sắp tới…

Bởi buồn hay vui, buông hay giữ, đều do ở lòng mình!

Mời bạn đón đọc.

 
Mua ở đâu?