Bồng Bềnh Như Có Thể là tập thứ 4 trong bộ tản văn “Từ Xa Hà Nội” của nhạc sĩ Mai Lâm, một Việt kiều từ Cộng hòa Liên bang Đức viết về Hà Nội. Đúng như tác giả tâm niệm: “Nếu được sống ở Hà Nội có lẽ tôi đã không viết gì. Bởi tôi thích sống hơn là viết về cuộc sống”; ông có lẽ chỉ sống hồn nhiên qua bao nhiêu năm tháng, để những kỷ niệm ngấm vào máu, cho đến một ngày xa Hà Nội định cư tại Đức, với bao nhớ thương và luyến tiếc, ông không thể không viết về nó. Hà Nội trong tản văn của Mai Lâm là những kỷ niệm khó quên về bà, về mẹ, về tuổi thơ, phố phường thanh lịch, với những niềm vui bé nhỏ, nồng nàn. Tác giả kể về đám bạn nhậu, lúc thì nợ nần, gái gú, lúc rượu chè, lô đề, xay xỉn, làm sống lại một thời thanh niên kiêu bạc, hào hoa nhưng rất giàu lòng tự trọng, tự tin của thế hệ mình. Một khúc đàn, một bức tranh, một que kem, một bờ Hồ Gươm lát đá cũng làm rung động những tâm hồn tơ non trước tuổi thanh xuân phơi phới. Hà Nội là cái nôi văn hóa đã ươm mầm những nghệ sĩ, nghệ danh, những văn chương tài tử, tỏa đi nhiều nơi trên thế giới, luôn mang trong mình niềm tự hào về xứ sở, quê hương. Có lẽ khoảng cách nửa vòng trái đất, cùng mấy chục năm xa cách, đã đủ cho nhạc sĩ Mai Lâm thấu hiểu, thấm thía nỗi nhớ thương về Hà Nội, để rồi có lúc ông không ngần ngại kể lại, chia sẻ, và tự trào về mình.Người đọc bắt gặp cái cảm giác ngày xưa, cách suy nghĩ và xử thế của ông bà mình giữa một thời Hà Nội còn gian khó, chắt chiu, thắt lưng buộc bụng, nhưng thật trong trẻo và vô nhiễm. Hà Nội xưa với Hà Nội nay không hề xa lạ, vẫn con người đó, tình yêu đó, nỗi niềm đó, đánh thức nỗi nhớ khôn nguôi trong tâm can tác giả và những con người xa xứ đang mang gánh nặng nhọc nhằn mưu sinh và phải lựa chọn trước những biến động xã hội. Nhưng có lẽ càng đi xa, càng vật lộn bươn chải, con người càng đau đáu hướng về, nhìn rõ, chiêm nghiệm và cắt nghĩa được những gì diễn ra trong quá khứ.
Nhiều tản văn trong tập mang dáng dấp của một truyện ngắn, với những tình tiết rất thật, rất đời, có cả những dư vị ngọt đắng, lầm lỡ sa chân, có thân phận buồn của những con người lưu lạc. Tác giả không ép mình phải viết về cuộc sống, phải ý thức mình là nghệ sĩ, như ông đã từng quan niệm, nhưng dòng văn cứ tuôn trào, thành hình hài, âm hưởng, tác phẩm nọ nối tiếp tác phẩm kia.
Và còn một điều gì đó vẫn chưa nói hết, những điều nằm ngoài câu chữ mà tác giả Mai Lâm đã thể hiện được. Đó có thể là nỗi buồn nhớ những cơn mưa phùn của Hà Nội, hoặc tâm trạng lạc lõng mênh mang giữa một trời tuyết trắng mà người con xa xứ vẫn còn khắc giữ nơi tâm. Tập tản văn đậm phong vị hài hước, bặm trợn và phong lưu, giấu cái cười tủm tỉm và ánh mắt nheo nheo tinh nghịch, nhìn đời đầy trào lộng, tếu táo, lạc quan, để đi qua gian khó trong đời. Tác giả khát khao tìm kiếm tri kỷ trong sự hòa điệu của tâm hồn, cùng hướng về Hà Nội trong niềm thương yêu tha thiết, và khó có thể nồng nàn hơn!
Mời bạn đón đọc.