Làm gì để có được điểm 10 môn Vật lý? Dễ thôi, nếu đó là điểm 10 trong thi tốt nghiệp. Vậy thi cao đẳng thì sao! Có dễ như trên không? Nói chung là cũng không khó lắm. Thế còn điểm 10 trong đề thi đại học thì sao! Có khó lắm không? Tới đây chắc nhiều bạn đã có câu trả lời rồi! Đa số nhiều bạn cho rằng điều này là quá khó và không thể làm được. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều bạn cho rằng cũng không có gì khó lắm và hoàn toàn có thể làm được nếu có những bí quyết ôn luyện thi bổ ích trước khi bước vào phòng thi. Cuốn sách này là dành cho các bạn như thế và cũng dành cho các bạn có niềm tin là mình sẽ làm được điều mong ước đó. Cơ sở để tin vào điều này là trong khuôn khổ của đề thi không có câu nào quá khó như bên đề thi toán. Vậy cái khó ở đây là gì? Đó chính là thời gian làm bài. Trong đề thi có tổng cộng 50 câu nhưng chỉ có 90 phút vì thế chia ra thì 1 câu chỉ có 108 giây (1,8 phút). Vậy bí quyết nào để giải bài toán khó khăn ở trên?
Bí quyết đầu tiên để có điểm 10 là phải biết phân loại cấp độ câu hỏi và sau đó dễ làm trước, khó làm sau.
Bí quyết thứ hai là phải làm được những câu khó được phân loại ở trên trong thời gian cho phép. Để làm được điều này đòi hỏi các bạn phải giải được thật nhiều bài tập và phải phân ra từng chuyên đề cụ thể để biết bài toán giải quyết theo hướng nào. Như vậy để giải quyết các bài tập thuộc dạng khó này cho nhanh và chính xác nhất là những gì cuốn sách làm được. Vì thế để thực hiện được bí quyết thứ hai thì cần làm được những việc sau:
- Sử dụng thành thạo mối liên hệ giữa dao động điều hòa với chuyển động tròn đều và công cụ để làm được việc trên chính là vòng tròn lượng giác. Khi sử dụng vòng tròn lượng giác, các bài toán như về pha, thời gian, quãng đường … được giải quyết trực quan dễ hiểu và ít tốn thời gian (thi trắc nghiệm cần điều này nhất).
- Phải sử dụng tốt kiến thức hình học phẳng để tìm độ lớn các đại lượng véctơ. Trong chương dao động cơ thì cần nắm và áp dụng được định lý hàm số sin và cosin để tìm biên độ và pha ban đầu của dao động tổng hợp. Bên chương dòng điện xoay chiều là cần nhất vì các hình phẳng ở đây được vẽ từ phương pháp véctơ trượt. Để giải tốt các bài tập trong chương này phương pháp véctơ trượt không thể không biết tới.
- Sử dụng thành thạo máy tính cầm tay (Fx 570 ES hoặc Fx 570 ES PLUS). Trong tính toán bình thường mà các bạn không có thao tác nhanh từ chiếc máy tính thì sẽ mất khá nhiều thời gian. Ngoài ra, chức năng của các chiếc máy tính này còn vượt xa sự mong đợi của chúng ta, nó có thể giải được nhiều bài toán nếu đưa về chế độ phức.
- Nắm chắc cấu trúc đề thi để ôn đúng trọng tâm, không lãng phí thời gian ôn những kiến thức không ra thi. Nếu các bạn học bên ban cơ bản hoặc không muốn học chương chuyển động của vật rắn bên ban nâng cao thì các bạn nên chọn ban cơ bản mà thi. Đề thi cho chúng ta chọn một trong hai phần nhưng chúng ta nên chọn ngay từ đầu luyện thi chứ không để vào phòng thi mới chọn. Nếu các bạn chắc chắn chọn ban cơ bản (đa số chọn ban này) thì các bạn không học các kiến thức sau: nguyên chương chuyển động của vật rắn, nguyên chương từ vi mô đến vĩ mô. Không học phần hiệu ứng Doppler, con lắc vật lý, các bài toán về mắc hình sao, tam giác trong dòng điện xoay chiều 3 pha, các bài toán về thời gian dao động, số dao động, quãng đường vật dao động được trong dao động tắt dần, các công thức Einstein trong chương lượng tử ánh sáng, các bài toán về thay đổi chiều dài, thời gian trong thuyết tương đối, các bài toán giao thoa ánh sáng bằng các dụng cụ quang học. Các phần này chỉ ra bên ban nâng cao vì thế chúng ta phải loại bỏ ngay các kiến thức này để không bị phân tâm và mất thời gian.
- Nhớ công thức. Chúng ta không thể dùng công thức nào cũng đi chứng minh mà tốt nhất là trong quá trình học hãy chứng minh và nhớ nó để làm bài tập mới nhanh được.
- Phải biết tính nhẩm các biểu thức tính cơ bản… những cái này nhẩm nhanh hơn máy tính nhiều. Phải thành thạo máy tính cầm tay nhưng đừng để phụ thuộc vào nó.
- Tự tin và kiên trì ôn luyện, nhất định các bạn sẽ thành công.
Mời bạn đón đọc.