Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cũng là sự nghiệp thống nhất đất nước, là sự nghiệp chung của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ hy sinh, ngoan cường và bền bỉ, anh dũng và sáng tạo suốt 21 năm kháng chiến. Quá trình ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, quân dân hai miền Nam Bắc Việt Nam tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, nhưng có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, tác động qua lại lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển, nhằm mục tiêu chung của cách mạng cả nước là bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất tổ quốc.
Từ khi thành lập cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ, Ban Thống Nhất Trung Ương đã xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức, thực hiện nhiều hoạt động có vai trò to lớn trong việc giúp Trung Ương chỉ đạo cách mạng miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Cụ thể là hoạt động phối hợp tổ chức tiếp đón, bố trí cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneve, tiếp đón, bố trí cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và con em nhân dân miền Nam từ tiền tuyến miền Nam ra hậu phương miền Bắc, phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, học sinh miền Nam, đề xuất và phối hợp điều động cán bộ dân, chính, đảng từ hậu phương miền Bắc vào các chiến trường miền Nam, tiếp nhận viện trợ của các nước và nhiều hoạt động khác.
Trên cơ sở nguồn tư liệu, công trình nghiên cứu làm rõ những vấn đề khoa học sau đây:
Phục dựng bối cảnh lịch sử, quá trình hình thành, phát triển của Ban Thống Nhất Trung Ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ban Thống Nhất Trung Ương là cơ quan tham mưu – giúp cho Trung Ương Đảng chỉ đạo thực tiễn cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhất là các hoạt động liên quan đến quan hệ tiền tuyến – hậu phương trong chiến tranh và sự nghiệp thống nhất đất nước 1954-1975
Chức năng nhiệm vụ này thể hiện qua hoạt động và vai trò trên các lĩnh vực tiêu biểu là: tiếp đón và bố trí cán bộ, chiến sỹ, đồng bào và con em miền Nam tập kết và từ chiến trường miền Nam ra hậu phương miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, con em miền Nam trên đất Bắc, điều động cán bộ dân, chính, đảng từ hậu phương miền Bắc vào các chiến trường miền Nam. Những hoạt động này diễn ra theo phương thức phối hợp giữa Ban Thống nhất Trung ương với Ủy ban Thống nhất Chính phủ và nhiều cơ quan, ban ngành chức năng khác ở trung ương và địa phương trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh.
Quan hệ giữa Ban Thống Nhất Trung Ương và Ủy Ban Thống Nhất của Chính phủ là quan hệ đặc biệt, trong đó cơ bản là sự thống nhất một mối về tổ chức cán bộ, phân công phân nhiệm rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, luôn có sự tham khảo lẫn nhau trong quá trình hoạt động. Ban Thống Nhất Trung Ương còn có mối quan hệ với các cơ quan ban ngành khác cùng hoạt động vì sự nghiệp thống nhất đất nước, trong đó Ban Thống Nhất Trung Ương vừa là cơ quan tham mưu, tư vấn – giúp việc cho Trung ương, vừa là cơ quan đề xuất và điều phối các hoạt động…
Mời bạn đón đọc.