Nhà văn Việt Nam, kể cả những thi sĩ, văn hào như Tản Đà, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… hầu như không ai thoát cảnh phải viết báo kiếm sống dù ai cũng biết nghề báo thường tiêu diệt nghề văn như bỡn. Biết nhưng không tránh được. Đó cũng là nỗi khổ riêng của những người cầm bút. Hoặc có người tránh được viết báo thì lại phải đi làm nghề khác. Đấy là những người tài giỏi. Bởi vì làm được nghề khác mà không phải viết báo nuôi văn là điều khó nhất…
Từ những năm 1930, những chuyện hài hước in ở mục Việt Nam nhị thập kỷ xã hội ba đào ký do hai cụ Tản Đà và Nguyễn Công Hoan chủ trương trên tờ An Nam tạp chí với mục đích Nhằm tả những cánh khốn nạn của khắp các hạng người trong xã hội cố tìm cái sung sướng ở chỗ danh, lợi, tình.
Mặc dù đã hơn hai phần ba thế kỷ trôi qua, bộ mặt xã hội cũng thay đổi nhiều nhưng những chuyện Ba đào vẫn quay cuồng chữ hám, vẫn còn vô số người cố tìm cái sung sướng ở chỗ danh, lợi, tình dưới nhiều vẻ, nhiều dạng khiến cứ còn mãi những bi, hài kịch nhân sinh dở cười dở khóc.
Và do đó tác giả đã viết tiếp chuyện Ba đào ký hiện đại. Các hạng người có khác, hoàn cảnh xảy ra chuyện có khác, quan niệm về sướng khổ có khác cho nên tính bi, hài cũng có phần khác nhưng tinh thần của Ba đào ký thì vẫn giữ y nguyên như ý các bậc tiền nhân.