Di Li từng nổi đình nổi đám với loạt tác phẩm kinh dị hoặc trinh thám kinh dị qua một số truyện ngắn trong các tập "Tầng thứ nhất", "Điệu valse địa ngục" và tiểu thuyết "Trại Hoa Đỏ".
Bây giờ Di Li lại cho ra mắt 2 tập cùng một lúc: tập truyện ngắn "7 ngày trên sa mạc" và tập truyện dịch "Bóng đêm bao trùm"(*). Nhìn lui về trước, Di Li cũng đã có hai tập truyện dịch nữa. Thế mới biết sức lao động của Di Li là đáng nể. Mối quan tâm lớn nhất của Di Li trong tập truyện ngắn "7 ngày trên sa mạc" là hiện thực về một thế giới thượng lưu thời hiện đại.
Thế giới này bao gồm những loại người như doanh nhân, nhà thầu, nhà chứng khoán, những đại gia, những diễn viên sân khấu, những người tình là các mỹ nhân danh tiếng…
Bối cảnh mà các nhân vật này xuất hiện, ăn ở, vui chơi, toan tính, mưu mô, giành giật, làm tình với nhau là những bãi biển nổi tiếng, những resort, những sân gôn, những khu du lịch, những khách sạn, nhà hàng, sân khấu sang trọng… ở nhiều quốc gia khác nhau. Đó là một thế giới hào nhoáng, quý tộc, nơi không dành cho người nghèo, cho tầng lớp bình dân, cho người nhà quê, thậm chí cho cả những đứa con nhà lành (tuy không phải nhà quê, nhưng được giáo dục quá kỹ lưỡng, sống thúc thủ, gìn giữ…).
Nói tóm lại, đó là một thế giới đô thị, bề bộn, phức tạp, choáng ngợp bởi tiện nghi, tiêu xài, giao đãi, xả hơi, giao kèo, hợp đồng kinh tế… Một thế giới mà không còn khái niệm đạo lý truyền thống, chỉ còn là sự thống trị lạnh lùng của vật chất, đồng tiền, mưu mô, khá nhiều trường hợp mang màu sắc mafia. Có thể nói đó là một thế giới thượng lưu suy đồi. Nơi này không có chỗ cho những lưu tâm về miếng cơm manh áo, không có nỗi khổ mưu sinh. Nơi này chỉ có nỗi khổ tình ái và kiếm tiền.
Ở Việt Nam trước đây và hiện nay, chưa có một nhà văn nào lại dành tâm huyết để quan tâm tới vùng hiện thực này. Di Li là người đầu tiên công phá vào nó. Nhà văn này có điều kiện để tiếp cận, và tìm hiểu về nó. Không phải ai cũng có khả năng này. Tôi cho rằng, Di Li là người có công khai phá một vùng gần như bỏ trắng trong văn học hiện nay.
Cũng như mấy năm vừa qua, chị cũng là người đầu tiên thám sát trở lại loại truyện kinh dị hầu như bỏ quên từ sau 1945. Đọc Di Li, nhiều người có cảm giác người viết ra nó rất thạo đời, hiểu theo nghĩa am tường đời sống, một thứ đời sống của giới quý tộc thời hiện đại. Phải có một số ưu thế nhất định nào đó mới có thể xông vào vùng hiện thực này được.
Người mặc cảm, người không quảng giao, người ít được đi nơi này nơi khác, nước này nước khác, ít hiểu biết về thế giới này khó có thể tiếp cận và cắt nghĩa về nó. Bao trùm lên toàn bộ các tác phẩm của Di Li trong tập truyện này là sự hoà phối giữa cảm quan hiện thực và cảm quan trào lộng. Cảm quan hiện thực thì hẳn đã rõ. Nhưng cảm quan trào lộng là một điều đáng để bàn.
Cảm quan chính là cách cảm nhận riêng của mỗi người viết về đời sống mang màu sắc cảm tính, chi phối cách cảm nhận và cắt nghĩa về thực tại xung quanh. Có người nhìn đời sống nghiêm trang, nghiêm ngắn; có người cáu kỉnh phẫn uất, có người thương cảm sụt sùi, có người lại thấy toàn chuyện buồn cười.
Truyện Di Li trong tập này so với các truyện ngắn cùng loại trước đây, tạm gọi là truyện tâm lý- xã hội, thì đến tập này mới xuất hiện chất uymua (humour). Chất hài hước này là một cái nhìn thể hiện tinh thần dân chủ đối với đời sống, nghĩa là không tôn sùng mà cũng chẳng xem thường. Nó nhận diện đời sống ở những nơi có sự xuất hiện của cái bất bình thường, cái nghịch lý buồn cười, đáng cười, thế thôi.
Biểu hiện của cái cười trong các tác phẩm nói trên có mặt chủ yếu ở ba điểm: thứ nhất là tình hướng truyện toát lên cái buồn cười, đáng cười; thứ hai, ở chi tiết; và thứ ba ở lời văn. Ví dụ, tình huống uymua có thể thấy trong các truyện: "Viên kim cương đen", "Hai người trên hoang đảo", "Lớp học lắng nghe", "Điện hoa", "Riêng bữa tiệc đêm cuối năm", "7 ngày trên sa mạc", tình huống uymua này pha thêm chút cay đắng, nhuốm màu sắc bi kịch.
Cũng vậy, rất nhiều chi tiết toát lên tính chất trào lộng tức cười. Các chi tiết gây cười tập trung với mật độ dày nhất có lẽ trong truyện "Hai người trên hoang đảo". Từ chỗ họ chịu đựng nhau, tranh giành nhau, chí choé nhau, lừa lọc nhau, cưu mang nhau, đến cảnh kết thúc mỗi người đi một ngả, người thì bảo "Ơn chúa", người thì bảo" Adiđà Phật" như một sự thoát nợ… tất cả đều theo hướng hoạt kê nhẹ nhàng, vui là chính, chẳng cần phải ngụ ý phê phán, châm chích ai.
Đó là chất uymua phi vụ lợi, thanh thoát, cốt để vui sống. Biểu hiện cuối cùng của chất uymua nằm trong lời văn. Nhiều cách diễn đạt, cách nói bất bình thường, không tuân theo quy luật diễn đạt thông thường (nghĩa là phải có nhân – quả rõ ràng) cũng gây ra hiệu quả hài hước. Di Li đã xử lý tốt giữa cảm quan hiện thực với cảm quan hài hước trong tác phẩm của mình.
Nhờ vậy, đọc văn Di Li thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, không bị nặng nề, u ám. Tôi muốn nói thêm rằng, văn chương hiện nay đang bỏ trống chất hài như một ưu thế trong truyền thống văn hóa người Việt, mà lại để cho sân khấu, truyền hình làm mưa làm gió, và trong nhiều trường hợp rất rẻ tiền. Điều này đáng để cho những người cầm bút suy nghĩ. Trong tình hình đó, càng thấy thêm yêu quý cái chất hài trong văn của chị. Tôi muốn nói một điều cuối cùng.
Văn Giá
(Nguồn: Báo Lao động)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn