Từ những câu chuyện có dựa trên đôi chút sự thực xảy ra ở đâu đó trong đời thường, được thêu dệt qua năm tháng và lưu truyền bằng hình thức truyền miệng trong dân gian như Truyện Tấm Cám, nàng Tô Thị, Thạch Sanh, anh hùng Đam Dông, Trương Chi, Lưu Bình – Dương Lễ, Huyền Quang, Ngưu Lang – Chức Nữ…
Đến những chuyện hoàn toàn do trí tưởng tượng bay bổng của con người, nói lên những khát vọng siêu nhiên của con người, hoặc là một cách lý giải cho những sự vật, hiện tượng mà thời đó chưa được giải thích hoặc làm sáng tỏ bằng các kiến thức khoa học hiện đại: nói dối như Cuội, cóc kiện Trời, sự tích sao Hôm, sao Mai, ai làm ra lửa, sự tích người làm chúa muôn loài…
Rồi đến những câu chuyện về thiên nhiên, cảnh vật, con người vốn vô cùng bình dị, gần gũi nhưng cũng được phủ lên đó lớp sương của lịch sử, của những huyền thoại, để tô thêm vẻ đẹp huyền bí cho cảnh sắc, cuộc đời: mười tám vị La Hán, sự tích hồ Ba Bể, sự tích thành Cổ Loa, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, sự tích hòn Vọng phu…
Song tất cả những câu chuyện cổ hoặc cổ tích Việt Nam đều mang một phong vi chung, đó là tính nhân văn cao cả, lòng hướng thiện, ước mơ chính đáng của con người, lòng khát khao cuộc sống tươi đẹp, bình yên, no đủ và đề cao những giá trị truyền thống cũng như những nét đẹp vĩnh hằng, thuộc về văn hoá nguồn cội của dân tộc Việt Nam: cha Rồng mẹ Tiên, sự tích hồ Gươm, sự tích Công chúa Liễu Hạnh…