Lời chia sẻ của tác giả Võ Xuân Dũng dành cho cuốn sách:
Trong cuốn “Yêu sự căng thẳng, thương nỗi muộn phiền” này, tôi không đưa ra khám phá gì mới mẻ. Đây chỉ là đúc kết tuệ giác và kinh nghiệm của các bậc thức giả tiên phong trong lĩnh vực chỉ dạy chánh niệm, chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng như sự phát triển lành mạnh của tuổi trẻ. Tôi muốn chia sẻ kết quả thực tập chánh niệm của riêng tôi cũng như những kinh nghiệm lâm sàng của tôi trong vai trò là một bác sĩ nhi khoa chuyên về y khoa tuổi vị thành niên.
Gốc rễ thực tập chánh niệm của tôi là những năm tháng thực tập dưới sự chỉ dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Người vừa là một thiền sư, vừa là thi sĩ, đã từng hoạt động tranh đấu hòa bình và được mục sư Luther King Jr. đề nghị trao giải Nobel Hòa bình. Rất nhiều dẫn chứng hay khái niệm về chánh niệm cũng như các phép thiền hướng dẫn, ngồi thiền, thở bằng bụng, ăn uống trong chánh niệm, đi thiền, quán từ bi, truyền thông, và xây dựng hòa bình trong sách này đều do tôi lĩnh hội từ sự chỉ dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh và giáo lý thực tập tại Làng Mai, một trung tâm thiền tập do thiền sư Thích Nhất Hạnh thiết lập tại miền Nam nước Pháp.
Nói như thế không có nghĩa phải là một Phật tử mới được lợi lạc khi đọc cuốn sách này. Tôi đã cố gắng trình bày sự thực tập chánh niệm dưới một hình thức không có tính cách tôn giáo, một hình thức phổ biến để có thể hấp dẫn các thanh thiếu niên thuộc hay không thuộc bất cứ một truyền thống tôn giáo nào, một hình thức thích hợp cho việc sử dụng tại bệnh viện hay trường học.
Cuốn “Yêu sự căng thẳng, thương nỗi muộn phiền” này được xây dựng từ chương trình MARS-A (Mindful Awareness and Resilience Skills for Adolescents – Trau dồi ý thức chánh niệm và khả năng kiên cường cho vị thành niên) mà tôi đã tổ chức với sự hợp tác của một người bạn thân và cũng là đồng nghiệp, bác sĩ Jake Locke. Chương trình huấn luyện này đang được tổ chức tại bệnh viện nhi British Columbus.
MARS-A là một chương trình dành cho những bạn trẻ vị thành niên đang thời kỳ phát triển và thích ứng với đời sống. Chương trình kéo dài tám tuần lễ, tại khu ngoại chẩn, nhằm huấn luyện chánh niệm cho các thiếu niên từ 14 đến 19 tuổi đang gặp khó khăn về mặt tâm thần (trầm cảm, lo âu, sợ hãi) và có thể bị, hay không bị, đau nhức kinh niên hay một chứng bệnh kinh niên nào khác. Căn bản cơ cấu tổ chức và nội dung của chương trình MARS-A được phỏng theo chương trình MBSR (Mindful Based Stress Reduction – Giảm bức xúc bằng chánh niệm, Kabat-Zinn, 2013) cũng như hai chương trình tương tự, MBCT (Mindful Based Cognitive Therapy – Liệu pháp nhận thức bằng chánh niệm, Segal, William & Teasdale, 2013), MBSR-T (Mindful Based Stress Reduction for Teens – Giảm bức xúc bằng chánh niệm cho trẻ vị thành niên, Biegel et al., 2009).
Vài thực tập căn bản của hai chương trình MBSR và MBCT (ăn uống trong chánh niệm, ngồi thiền, quán chiếu từng bộ phận của cơ thể, tư duy chánh niệm và thực tập niệm tâm từ) đã được áp dụng trong chương trình MARS-A và được đưa vào cuốn sách này dưới một hình thức mang nặng ảnh hưởng từ đường lối thực tập tại Làng Mai và từ thực tập chánh niệm của riêng tôi.
Chương nói về chánh niệm cơ thể và cách ứng xử đau nhức chịu ảnh hưởng nhiều từ chương trình MBSR.
Chương nói về chánh niệm khi suy nghĩ (chương 9) và chăm sóc tự thân (chương 17) chịu ảnh hưởng từ chương trình MBCT.
MARS-A cũng tham khảo công trình của Kenneth Ginsburg về sự phát triển lành mạnh của tuổi trẻ – đặc biệt là trong chương nói về thích ứng bức xúc (chương 1) và chương nói về ý muốn được toàn hảo (chương 11).
MARS-A cũng rút kinh nghiệm từ công trình của Daniel Siegel về liên hệ thần kinh sinh lý học – đặc biệt là chương nói về tác dụng thần kinh sinh lý của bức xúc (chương 1) và thiết lập liên hệ tương liên (chương 12).
Mời bạn đón đọc.