Cuốn sách Xứ Đông Dương đã gợi lại một giai đoạn lịch sử đầy biến động và bi thương mà Việt Nam và các nước láng giềng đã trải qua. Xứ Đông Dương, được dịch nguyên bản từ tiếng Pháp: L’Indo-Chine française. Tác giả cuốn sách là một trong những người dấn thân và là yếu nhân góp phần tạo ra giai đoạn lịch sử nói trên; đó là ông Joseph Athanase Paul Doumer, từng là Toàn quyền Đông Dương (1897-1902), sau này là Tổng thống Cộng hòa Pháp (1931-1932).
Paul Doumer (1857-1932) là một nhân vật để lại dấu ấn khá rõ nét trong lịch sử cận đại Việt Nam dưới thời thực dân Pháp đô hộ. Tuy chỉ làm Toàn quyền Đông Dương 5 năm nhưng ông đã thực hiện nhiều cải cách với chủ trương biến chế độ Bảo hộ Pháp ở Đông Dương thành chế độ “thực trị”, xây dựng chính quyền trung ương tập quyền cao độ nhằm xóa bỏ chủ quyền và nền độc lập của các quốc gia Đông Dương. Ông cũng là viên quan thực dân cai trị đã thực thi chính sách sưu thuế hà khắc để xây dựng hạ tầng cơ sở cho xứ Đông Dương – đặc biệt cây cầu Long Biên nổi tiếng ở Hà Nội gắn liền với tên tuổi của ông – nhằm phục vụ cho việc khai thác tài nguyên thiên nhiên thuộc địa, và biến các nước thuộc địa thành một thị trường, tiền đồn cho Pháp ở vùng Viễn Đông.
Sau khi trở về Pháp, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1931, ông được đa số phiếu bầu và trở thành Tổng thống Pháp. Thế nhưng, chưa kịp làm gì trên cương vị người đứng đầu nhà nước thì ngày 16 tháng Năm năm 1932, trong khi tham gia hội chợ sách của các nhà văn cựu chiến binh, ông bị một phần tử quá khích người Nga ám sát bằng năm phát đạn, trở thành vị Tổng thống xấu số trong lịch sử cận đại nước Pháp.
Cuốn sách thuộc thể loại hồi ký đúng như tên gọi và tác giả cũng khẳng định trong Lời mở đầu: “Người ta yêu cầu tôi sắp xếp lại các ký ức của mình, đặc biệt dành cho giới trẻ, cho những con người sẽ là công dân, những người lính của ngày mai”. Nhưng đọc hết cuốn sách, bạn sẽ thấy nội dung của nó rất hấp dẫn, vượt xa khỏi thể loại hồi ký vì trước tiên, cuốn sách đã tạo cho tác giả một cơ hội lý tưởng để đưa ra những nhận xét, đánh giá, thậm chí cả lời khuyên mang đậm nhãn quan chiến lược về nhiều lĩnh vực của một chính trị gia, một nhà quản lý đầy kinh nghiệm và có nhận thức sâu sắc về thời cuộc.
Cuốn hồi ký này có nội dung khá phong phú, sinh động về đất nước, con người, văn hóa, phong tục tập quán của ba nước Đông Dương là Việt Nam, Lào, Campuchia thời đầu thế kỷ XX, được viết bằng ngôn ngữ văn học hấp dẫn. Hãy đọc Cuốn sách Xứ Đông Dương theo mối quan tâm, hay tư cách riêng của từng người và với một cách nhìn lịch sử. Bạn sẽ bị lôi cuốn bởi cách viết của tác giả. Đặc biệt, bạn sẽ được khám phá và tìm thấy nhiều điều mới mẻ mà bạn chưa từng đọc được trước đó về giai đoạn lịch sử này của đất nước Việt Nam.
Mời bạn đón đọc.