Tủ sách Kiệt tác Sân khấu Thế giới (100 cuốn) ra mắt bạn đọc là công sức của nhiều thế hệ sân khấu nối tiếp sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật… có ảnh hưởng lớn không chỉ về sân khấu mà có tầm ảnh hưởng đến phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung.
Từ các tác phẩm cổ đại với các tên tuổi hàng đầu về bi kịch và hài kịch bộ sách trải rộng qua nhiều thời kỳ rực rỡ của sân khấu thế giới như thời đại Phục hưng, Lãng mạn và Hiện đại… giới thiệu những kiệt tác chói sáng có sức sống xuyên qua nhiều thế kỷ của những nhà viết kịch kiệt xuất… Nhiều tác phẩm ra đời từ hàng ngàn năm trước nhưng tư tưởng và nghệ thuật vẫn đồng hành với các bạn đọc và khán giả hôm nay.
William Sếchxpia (1564 – 1616) là một trong những văn hào vĩ đại nhất của nhân loại. Từ lâu, sáng tác của Sếchxpia đã vượt ra ngoài phạm vi một nước mà thành tài sản chung của thế giới. Nó đã thành gia tài quí báu nhất mà nghệ thuật kịch của quá khứ để lại cho chúng ta học tập, tiếp thu và phát triển. Sự xa cách về thời gian không làm cho nó bớt tính chất hiện đại. Trái lại, chưa bao giờ Sếchxpia được chú ý hơn ngày nay. Riêng trong mười năm đầu thế kỷ XX, người ta đã viết về ông nhiều hơn là cả ba thế kỷ trước cộng lại. “Sếchxpia cần thiết cho thời đại chúng ta, tác phẩm của ông làm những con người thế kỷ XX vui sướng, say sưa, cảm động và thúc đẩy họ suy nghĩ… Nó đã vào trong đời sống chúng ta làm thành một yếu tố quan trọng của đời sống văn hóa hiện đại”.
Tác phẩm của Sếchxpia không phải đưa ra một lý thuyết khuôn sáo mà đưa ra một mảng cây đời mãi mãi tươi xanh. Sếchxpia đã ghi dấu ấn quá đậm nét trong lịch sử văn hóa thế giới với những tác phẩm bất hủ của mình. Thành công trên nhiều thể loại song cái bóng khổng lồ bao trùm sự nghiệp văn học của Sếchxpia là những vở bi kịch. Đó thực sự là những viên ngọc quý của thế giới.
Vua Lia, Hamlet, Macbet, Otenlo trở thành những kiểu mẫu của một loại “bi kịch vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Câu chuyện Vua Lia được truyền tụng từ lâu ở Anh và đã được nhiều người viết lại và đã từng được biểu diễn trên sân khấu. Nhưng Sếchxpia đã dùng câu chuyện về con bất hiếu với cha mẹ biến thành một vở kịch có ý nghĩa lớn, vượt xa ý nghĩa luân lý tầm thường của những bản cũ, đạt một giá trị triết lý và xã hội sâu sắc.
Vua Lia truất quyền thừa kế của người con gái yêu Corđêlia vì nàng không biết khôn ngoan ngọt ngào đầu lưỡi như hai chị. Công tước Bơcgơn đang định cầu hôn nàng nghe tin đó đã rút lui không kèn không trống. “Tại nàng làm mất lòng cha nên phải thiệt mất người chồng”, nhưng ngược lại vua Pháp đã nhận ra ở người con gái chỉ có hai bàn tay trắng phẩm chất cao quý tuyệt vời. Corđêlia trở thành hoàng hậu nước Pháp.
Hai người con gái lớn của Vua Lia sau khi được chia đất đai đã đuổi bố ra ngoài. Lang thang trên đồng hoang, giữa đêm giông tố Vua Lia gặp một người cha bất hạnh khác là Gloxto. Nghe lời xiểm nịnh, Gloxto đuổi đứa con chính thức đi nhưng rồi lại bị đứa con ngoại tình đó phản bội, bị Cornơruôn móc mắt. Đến lúc này Vua Lia mới nhận ra nỗi đau lớn nhất của đời mình. Nhà vua trở thành vĩ đại thực sự – điều mà khi còn trên ngai vàng ông vô cùng ao ước.
Về phần Corđêlia, biết tin cha bị đuổi đi, nàng trở về mong cứu được cha, trả lại cho người niềm tin vào cuộc sống (,hưng Cordêlia không chiến thắng được số phận). Vua Lia đã chết, cái chết tiếp theo cái chết của người con gái mà gần phút cuối nhà vua mới hiểu lòng con.