Võ Văn Kiệt – người thắp lửa đưa chúng ta trở lại với "Những trang viết Võ Văn Kiệt" và từng chặng đường trong "Hành trình Võ Văn Kiệt", từ khi ông đến với cách mạng cho tới những ngày cuối đời trước khi ông ra đi.
Xuyên suốt cuộc hành trình này, dù ở vị trí của một nhà cách mạng, nhà lãnh đạo, người đồng chí, người cha, người ông hay người công dân, chúng ta đều thấy ở ông thắm đượm phẩm chất của một nhà cách mạng nhân văn, một trí thức dấn thân và trên hết là một người con trung hiếu của dân tộc.
Hãy cùng lắng nghe tâm sự của những người từng sống và làm việc gần ông. Nhà thơ Việt Phương viết: "Năng khiếu của anh Sáu Dân là biết lắng nghe dân, học dân, phát hiện và tiếp thu sáng kiến của dân… Chính đó là một cội nguồn của tư duy vươn lên, xốc tới, tạo bứt phá".
Ông Phan Chánh Dưỡng, thành viên của Nhóm Thứ Sáu, bộc bạch: "Anh em mến mộ, kính phục ông Sáu Dân không hoàn toàn do thành tích cách mạng trong quá khứ, trong công cuộc đổi mới xây dựng nền kinh tế, mà do ý chí kiên cường không ngơi nghỉ để tìm kiếm một hướng vươn lên cho đất nước trong mọi tình huống".
Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn nhớ lại: "Phong cách đặc biệt Võ Văn Kiệt khiến mỗi người trong chúng tôi khi đã được tiếp xúc một vài lần với anh Sáu đều có cảm nghĩ rằng anh hiểu chúng tôi như chúng tôi tự hiểu và có anh Sáu Dân ở đâu là ở đó mọi khó khăn trở ngại gì cũng vượt qua được".
Nhà văn Nguyên Ngọc khi nghĩ về ông Sáu Dân đã tự hỏi: "Vì sao mà con người ấy, rất gần gũi, hết sức bình dị như ta từng biết, xuất thân có thể nói là từ gần nơi tận cùng của xã hội, lại đồng thời là một con người có tâm, có dũng và có trí đặc sắc, cao vời đến vậy?". Rồi ông cũng tự trả lời: đó là vì vượt lên trên mọi hoàn cảnh và địa vị, ông Sáu Dân luôn giữ được "cảm giác về nhân dân" và do vậy là "một trong những người học trò hiểu nhất, giỏi nhất của nhân dân".
Một người con thắm thiết của nhân dân đến vậy hẳn nhiên cũng là một con người vẹn nghĩa, thủy chung trong các mối quan hệ khác. Người ta sẽ vẫn còn nhắc tới việc ông Sáu Dân vào tù mở champagne chúc mừng và gắn Huy hiệu 500kV đầu tiên cho cựu bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải.
Người ta cũng sẽ còn nhắc tới những câu nói bất hủ của ông Sáu Dân về tự tình của dân tộc như "không ai chọn cửa mà sinh ra" hay "một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu". Cũng trong cuốn sách này, lần đầu tiên độc giả sẽ biết thêm nhiều điều thú vị về ông Sáu Dân như một người yêu, người chồng, người cha, người ông giàu tình cảm và đôn hậu.
Không thể kể hết những lời yêu thương tha thiết dành cho ông Sáu Dân được bộc bạch trong cuốn sách Võ Văn Kiệt – người thắp lửa. Dường như trong sâu thẳm tâm can của mỗi tác giả đều có một khoảng trời được dành riêng cho ông, chỉ mình ông mà thôi; một khoảng trời bao la, tĩnh lặng, được tỏa sáng bằng tấm lòng của ông với dân, với nước.
Mỗi bài viết trong cuốn sách là một nén tâm hương của các tác giả thắp trên bàn thờ nhân ngày giỗ của ông. Như một quy luật của thời gian, những ai sống và hiến dâng trọn vẹn cho nhân dân, người đó sẽ sống mãi và trường tồn trong lòng dân
Vũ Thành Tự Anh (Báo Tuổi trẻ)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn