"Vào một đêm không trăng" – cuốn tiểu thuyết của tác giả "Balzac và cô thợ may Trung Hoa nổi tiếng". Bản dịch của nhà văn Châu Diên.
Năm 1930 trên chuyến bay đến Mãn Châu, Phổ Nghi – vị hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa – đã xé nát mảnh lụa ghi bằng một thứ ngôn ngữ tối cổ vùng Trung Á trong cơn điên loạn của chứng tâm thần phân liệt. Một phần mảnh lụa lọt vào tay nhà ngôn ngữ lập dị người Pháp Paul d'Ampere và những bí ẩn xa xưa dần được sáng tỏ…
Người dẫn chuyện vô danh – một sinh viên nước ngoài tại Trung Quốc trong thập niên 70, đã ghi lại câu chuyện này qua lời kể của Tumchooq – một người bán rau bên Tử Cấm Thành, đồng thời cũng là người tình của cô, về cuộc đời người cha xa lạ. Nhưng khi d'Ampere bị bức tử trong trại lao động, Tumchooq đã biến mất, từ bỏ người tình đang mang thai đứa con của mình. Trong quá trình đi tìm tình yêu đã mất, cô tình cờ tìm ra mảnh lụa còn lại và khám phá sự thật của lời Đức Phật dạy đằng sau những dòng chữ bí hiểm "Vào một đêm không trăng, một kẻ lữ hành cô độc lần bước trong bóng đêm đi dọc theo một con đường nhỏ dài dặc, con đường nhòa vào với núi và núi nhòa vào với trời…".
Câu chuyện lôi cuốn người đọc vào một không gian bí ẩn, với những mối quan hệ chằng chịt khiến người ta luôn háo hức muốn biết những diễn biến tiếp theo, cho đến trang cuối cùng của cuốn sách. Với cốt lõi là một cuộc phiêu lưu, thám hiểm kỳ bí nhưng sự phức tạp về cảm xúc khiến Vào một đêm không trăng được đánh giá là một trong những tác phẩm văn xuôi đẹp nhất mà Đới Tư Kiệt từng viết.
Đới Tư Kiệt sinh năm 1954 tại Trung Quốc, nhận học bổng sang Pháp du học từ năm 1984. Tại đây ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình. Từ năm 1997 đến nay Đới Tư Kiệt đã cho ra đời 3 tiểu thuyết đặc sắc: Balzac và cô thợ may Trung Hoa, Mặc cảm của Đ, Vào một đêm không trăng. (EVAN)
Mời bạn đón đọc.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn