“Nhiếp ảnh là một nghệ thuật ánh sáng và màu sắc của ảnh. Ánh sáng sinh động, huyền ảo, nhiệm màu.
Ánh sáng rực rỡ, nhảy múa, reo cười, tràn trề sức sống là linh hồn của ảnh. Tạo vật cứ việc phô trương muôn màu, muôn vẻ. Với hai màu đen trắng và một loạt màu xám đi từ trắng tới đen, ảnh tả không thua, miễn là có ánh sáng và nghệ sĩ nhiếp ảnh biết phân phối, điều khiển ánh sáng theo ý muốn của mình.
Chỉ chết cứng, chỉ khô khan, những ảnh “không biết lấy ánh sáng” mà thôi…
Bằng khóe nhìn đặc biệt, bằng những khía cạnh riêng để không giống ai cũng như không cho ai bắt chước được, nghệ sĩ nhiếp ảnh biến những cảnh sắc tầm thường của thiên nhiên, những cử động thoáng qua của sự vật thành những bức tranh nghệ thuật khêu gợi và linh động vô cùng. Hơn nữa nghệ sĩ còn dàn trải được bản sắc, truyền lan được rung động, tóm lại đã đóng dấu được thiên tài vào tác phẩm đặc biệt của mình.”
– TRẦN VĂN LƯU
“Trong những năm kháng chiến, bằng sức làm việc bền bỉ âm thầm, ông Trần Văn Lưu bám sát đời sống của anh em văn nghệ sĩ từ những cảnh sinh hoạt hằng ngày đến những sự kiện trọng đại diễn ra với họ trên chiến khu.
Ông đã trải nghiệm cùng họ không ít vui buồn và vì thế những tấm hình còn lại đến hôm nay vẫn còn đầy dư vị tình cảm của một người trong cuộc…
Giờ đây, ai có dịp qua trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, tòa soạn báo Văn nghệ ở Hà Nội, ở nơi trang trọng nhất đều có treo bức ảnh của Trần Văn Lưu chụp các nghệ sĩ tại trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam ở Đại Từ (Thái Nguyên).”
– Báo ĐẠI ĐOÀN KẾT
“Điều làm nên ấn tượng mạnh nhẽ nhất của ấn phẩm, có thể nói, là những hình ảnh đặc biệt quý về các văn nghệ sĩ ra đi kháng chiến ngay từ những ngày đầu. Từ những gương mặt gạo cội đã nổi tiếng từ trước Cách mạng, qua các nhà văn trong nhóm Văn hóa cứu quốc đến các văn nghệ sĩ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tất cả hầu như đều tề tựu nơi đây. Có khi đó là bức ảnh độc nhất vô nhị của một nhà văn ít có cơ duyên với ống kính máy ảnh, như nhà văn Nam Cao. Nhưng cũng có khi là cả chùm 5, 7, thậm chí 10 ảnh về một văn nghệ sĩ, được thể hiện dưới nhiều góc độ khác nhau ở nhiều bối cảnh khác nhau, như trường hợp của các ông Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Tuân… Sự nghiệp rất đáng trân trọng của họ dường như càng thăng hoa, tỏa sáng qua những hình ảnh đời thường, vừa bình dị vừa thánh thiện mà nhà nhiếp ảnh đã ghi lại bằng sự đồng cảm của một người trong cuộc. Những hình ảnh chắc chắn đáp ứng được người hâm mộ và làm hài lòng các bạn đọc muốn biết nhiều hơn về các thần tượng văn nghệ của mình!”
– Huy Toàn
Mời bạn đón đọc.