(VTV Ngày 29/11/2007)
“Chu du vào nẻo thành công” và “Chu du vào chốn bán hàng” là của tác giả Roger Konopasek. Anh là một trong những doanh nhân rất trẻ, đã từng phá sản rồi ngay sau đó xây dựng được một công ty nhiều triệu USD và đang tiếp tục ăn nên làm ra. Điều đặc biệt, xuyên suốt 2 cuốn sách là những câu chuyện vô cùng hài hước nhưng lại chứa đựng rất nhiều ý nghĩa cũng như những kinh nghiệm thú vị.
“Phá sản ở tuổi 29 và trở thành ông chủ của một công ty trị giá nhiều triệu đô ở tuổi 31… chỉ trong vòng 18 tháng, Roger Konopasek đã biến công ty chỉ có mình ông thành một công ty trị giá nhiều triệu đô…”. Trong cuốn “Chu du vào nẻo thành công”, tác giả mở đầu bằng những câu: “Phần đông thiên hạ trên đời, thích chui vỏ ốc cho đời nó yên. Chẳng thèm nom dưới, ngó trên, dòm qua, nghía lại đứa tên là Thời”…
Konopasek tiếp tục có một ví dụ khá thú vị về diễn viên điện ảnh nổi tiếng Arnold Schwarzenegger, mà phần lớn mọi người biết đến với vai diễn “Kẻ huỷ diệt” như sau: “Diễn giả Steve Chandler, năm 1976, lúc còn là một nhà báo chuyên đề về thể thao, đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với chàng lực sĩ thể thình đã giải nghệ… Lúc đó, Chandler hỏi: “Anh dự tính sẽ làm điều gì kế tiếp?” và Arnold đã thản nhiên đáp lại rằng: “Tôi đang dự tính trở thành một ngôi sao đắt giá nhất Hollywood”. Chandler đã cố giấu để không phải bật cười khi nghe Arnold nói vậy. “Cũng giống y như cái cách mà tôi đã sử dụng lúc còn là một vận động viên thể hình”. Arnold giải thích cho điều dự tính anh vừa chia sẻ: “Điều anh cần làm là tạo ra một viễn ảnh về con người mà anh muốn trở thành, rồi sống từng ngày trong cái viễn ảnh đó, như thể nó đã thành hiện thực lúc này rồi”. Nghe có vẻ ngây ngô đến nực cười… Nhưng rồi Arnold không chỉ trở thành một diễn viên đắt giá nhất Hollywood mà còn trở thành thống đốc một bang đông dân nhất nước Mỹ là California.
Còn trong cuốn sách thứ 2 “Chu du vào chốn bán hàng” Konopasek lại viết: “Tưởng tượng rằng bạn đang bước vào một phòng trưng bày xe hơi, lòng bạn rộn lên quá chừng khi tận mắt nhìn thấy con xe bấy lâu mình ao ước… Đương nhiên tay bán xe trong cửa hàng cũng thuộc tuýp bán hàng lão luyện, đã nghía bạn nãy giờ và hắn cũng đã đọc thấy ngôn ngữ cơ thể bạn đã thể hiện. Hắn biết bạn đang nhỏ dãi ngắm nhìn chiếc xe và hắn bước tới để làm trò phụ hoạ… ” Xin chào quý ông “hắn mở lời, nụ cười tự tin trên môi, “Chiếc xe quý ông chọn thiệt hết ý! Cho phép tôi dông dài một chút về chiếc xe này. Chiếc này chẳng phải có một, hai hay ba mà là tới bốn cái bánh lận!” Nói đoạn, hắn ngừng một chút, tỏ điệu bộ đắc thắng, và đợi hồi lâu cho mấy cái câu chữ đáng kinh ngạc vừa rồi lắng xuống, hắn tiếp lời: “và mỗi cái bánh xe đều đã được chăm chút gia công kỹ đến độ không thể nào tròn trịa hơn để quý ông sẵn sàng lăn bánh!” Một khoảng lặng đầy hấp lực nữa lại trôi qua, thế rồi hắn tự hào đánh lưỡi cho cái đoạn kết của mình: “Chưa hết! Quý ông chớ có nghĩ rằng nó chỉ có từng ấy chuyện, vì đây mới là điều quan trọng nhất: Tất cả các bánh xe đều chạm đất cùng lúc nên quý ông đây sẽ không thấy mình bị lảo đảo hay lắc lư! Quý ông thấy sao?”. Hắn nở nụ cười chiến thắng trên môi và chỉ còn đợi bạn đặt tay ký ngay tấm séc…
Bạn quyết định mua hay không mua chiếc xe đó? Roger Magnet đã đặt câu hỏi này cho cả hàng nghìn người và hầu hết, ai cũng lập tức đáp “Không!” Rồi khi được hỏi tại sao lại quyết định không mua nữa – bởi nói cho cùng thì đó là chiếc xe bạn hằng ao ước mà – thì phần đông lại trả lời rằng cái tay bán hàng đó có cái chi không ổn, hắn rao bán cái thứ rành rành con nít cũng biết. Chính xác! Đa số chúng ta phải cắn răng chịu cảnh rớt giá bởi chúng ta chỉ biết bán những thứ rành rành mà ai cũng biết… Đó là những bài học sơ đẳng đầu tiên mà Roger Konopasek nói cho độc giả trong 2 cuốn sách của mình.
Chắc chắn khi gấp 2 cuốn sách này lại, mọi người sẽ thấy mình vừa trải qua một chuyến chu du khá thú vị với những kinh nghiệm và câu chuyện thực tiễn nhiều khi tức cười nhưng lại rất chân thật.
Việt Hùng
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn