Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, đóng góp của Hồ Chí Minh trên lĩnh vực văn hoá vừa toàn diện vừa sâu sắc. Nhân dân Việt Nam và loài người trên thế giới biết đến Danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh không chỉ với tư cách là người sáng tạo ra các công trình văn hoá kiệt xuất, hay với tư cách là nhà lãnh đạo có nhiều công lao thúc đẩy sự phát triển văn hóa dân tộc mà nhân dân Việt Nam và loài người trên thế giới còn biết đến Hồ Chí Minh bởi vì Người đã tạo ra được nhiều biểu tượng, hình mẫu về văn hóa đặc sắc, Người đã tạo ra một biểu tượng văn hoá kiệt xuất của một lãnh tụ chính trị, người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Hồ Chí Minh còn là nguời xây dựng, phát triển và hiện thực hoá các giá trị văn hoá của một nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc vai trò của văn hoá đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và đối với việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Người đã kết hợp được một cách chặt chẽ và biện chứng giữa văn hoá với cách mạng. Văn hoá theo Người phải vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, khi nói về Đảng ta, Người khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh, Là thống nhất, độc lập, là hoà bình, ấm no”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cộng sản đề cập khá sớm đến khái niệm văn hoá. Trong mục đọc sách ở phần cuối tập Nhật ký trong tù, Người đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn học. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Quan niệm trên về văn hóa đã định hướng cho Người trong lãnh đạo và xây dựng nền văn hoá cách mạng Việt Nam nói chung và trong xây dựng văn hóa Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng. Văn hoá Đảng theo Hồ Chí Minh phải bao gồm cả những giá trị về tinh thần, tư tưởng và những giá trị mang tính vật chất biểu hiện trong cơ cấu tổ chức, trong chất luợng của đội ngũ cán bộ, đảng viên…
Trong quá trình xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giác ngộ, thu hút vào trong Đảng những người ưu tú, luôn coi trọng công tác rèn luyện, giáo dục nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, đảng viên. Người cũng rất cọi trọng về việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Người chỉ rõ: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt… Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc quan trọng và cần thiết.
Đối với một tổ chức, một chính Đảng, thì trình độ và tính chất kỷ luật thể hiện chất văn hoá cao hay thấp của tổ chức và chính đảng đó. Hồ Chí Minh thường xuyên chăm lo tạo dựng và củng cố giá trị văn hoá này của Đảng ta. Theo Người, sức mạnh vô địch của Đảng là ở kỷ luật nghiêm minh và tự giác. Nghiêm minh thuộc về tổ chức đảng nó thể hiện chất văn hoá trong tổ chức và duy trì kỷ luật đảng. Tự giác thuộc về cán bộ, đảng viên thể hiện văn hoá giác ngộ mục tiêu lý tuởng của cán bộ, đảng viên. Người nói: “Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với đảng”.
Hồ Chí Minh còn là lãnh tụ đề cập nhiều đến vấn đề đoàn kết. Người nhận thức sâu sắc vị trí chiến lược của vấn đề đoàn kết. Đặc biệt là vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng, Người coi đó là một giá trị văn hoá truyền thống mà Đảng ta phải hết sức giữ gìn. Người căn dặn “Đoàn kết là một truyền thống cưc kỳ quý báu của Đảng và dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phấn đấu giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Cuốn sách giới thiệu tư tưởng Hồ Chí Minh về những giá trị văn hoá cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hoá Việt Nam. Trong tư tưởng vĩ đại của Người thì văn hoá Đông – Tây xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa nhân văn Việt Nam đã được phát triển trong các phong trào lớn của thế kỷ XX. Độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội tiêu biểu cho các giá trị Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là nhà kiến trúc sư cũa công cuộc cải cách văn hoá Việt Nam, góp phần xác lập thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Mục lục:
Lời giới thiệu
Phần thứ nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam
Phần thứ hai: Hồ Chi Minh về văn hoá Việt Nam
Phần thứ ba: Hồ Chí Minh – Nhà văn hoá kiệt xuất.
Mời bạn đón đọc.