Hồn cầm phong sương hình dáng xuân tàn
Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn
Từ người ra đi chờ vắng tin người
Từ người ra đi là hết mơ rồi!
(Cung đàn xưa)
Tình khúc Cung đàn xưa được nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1942, cùng năm với nhạc sĩ Phạm Duy viết tình khúc đầu tay Cô hái mơ phổ từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Nguyễn Bính. Điểm nổi bật ở các nhạc sĩ thế hệ đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam là các tác giả đều coi trọng phần ca từ, do vậy lời hát đẹp như bài thơ. Có lẽ trong thời kỳ đầu tân nhạc này, các tác giả khi sáng tác thường suy tưởng về nội dung trước và viết nên những câu thơ, sau đó tìm cách hát lời thơ lên để trở thành bài tình ca. Điều này giống như cách ông bà ta ngày xưa thường hát lên những câu ca dao viết ở thể thơ lục bát, song thất lục bát,… để trở thành những bài dân ca Việt vậy!
Hơn 20 năm sau, vào giữa thập niên 1960, nền tân nhạc Việt lại xuất hiện một thế hệ nhạc sĩ TRẺ, họ đã viết nên những tình khúc rất lãng mạn, nếu tách riêng phần ca từ ta tưởng chừng như đó là bài thơ tình. Gọi là nhạc sĩ TRẺ bởi khi ấy họ chỉ là những thanh niên mới ngoài đôi mươi. Trẻ nhưng suy nghĩ của họ khá chín chắn cho dù có đôi lúc vẫn mang chút bồng bột, điều mà vốn dĩ người trẻ tuổi thường mắc phải. Thế hệ nhạc sĩ TRẺ được nói đến là Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên (đều là những nhạc sĩ sinh trong thập niên 1940).
Một điểm chung quan trọng của thế hệ nhạc sĩ TRẺ này là, họ đều là những trí thức. Bản thân là giáo viên dạy Triết học như nhạc sĩ Lê Uyên Phương; là sinh viên trường Luật như nhạc sĩ Vũ Thành An; là sinh viên trường Khoa học như nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc. Cũng do họ là trí thức trẻ nên đối tượng thính giả chính là lớp thanh niên học sinh, sinh viên. Có lẽ sự tương đồng về tuổi tác cùng hoàn cảnh sống đã tạo nên sự cảm thông, sự đồng điệu về tâm hồn giữa tác giả và người thưởng thức.
Những bài tình ca của các nhạc sĩ TRẺ được hát lên ở lớp học, trên giảng đường, giữa sân trường đại học trong các đêm văn nghệ. Bài hát được các bạn trẻ nâng niu chép vào trang nhật ký, có khi lấy lời hát thay cho lời muốn nói trong những bức thư tình… Những ấn bản nhạc tờ rời trở thành món quà tặng lãng mạn của giới trẻ. Không chỉ được giới trẻ yêu mến, ngay những nhà trí thức, các giáo sư đại học, những văn nghệ sĩ đàn anh cũng dành sự cảm mến đặc biệt đối với các chàng nhạc sĩ trẻ này.
Trong giai đoạn này đã xuất hiện một Quán Văn do chính sinh viên tạo dựng bằng những đồng tiền nhỏ bé tích cóp được từ việc đi dạy kèm tư gia, đi bỏ báo tháng,… Họ mở quán với tinh thần phi lợi nhuận chỉ mong muốn tạo nên một sân chơi riêng – nơi gặp gỡ của những tâm hồn yêu nhạc, yêu thơ. Đến với quán, những khách hàng Thượng đế được phục vụ đá chanh, nước ngọt và đặc biệt là café ngon nhưng chắc chắn không có đồ uống chứa chất cồn! Những nhạc sĩ TRẺ đến với Quán Văn với mong muốn được thổ lộ những suy tư của mình về TÌNH YÊU về PHẬN NGƯỜI qua từng tác phẩm; họ không cần thù lao, tất cả là tình yêu âm nhạc, sự đam mê. Những bạn trẻ đến cũng mong muốn được thấy “thần tượng” của mình trong hình hài một con người thật giữa đời thường! Và quả thật các thần tượng khi đến biểu diễn họ đã hòa mình cùng với khán giả sinh viên khi xuất hiện với trang phục rất bình dị! Có lẽ chính bầu không khí thân mật, trong không gian văn hóa phi thương mại, sự đón nhận nồng nhiệt của bạn trẻ đã tạo nên niềm hứng khởi để các nhạc sĩ TRẺ liên tiếp cho ra đời những sáng tác xuất sắc chỉ trong một giai đoạn rất ngắn.
Trong từng đêm nhạc, khán giả được nghe những lời tình tự chân thành của tác giả qua chính giọng hát của họ hòa cùng tiếng guitare thùng êm nhẹ; có khi khán giả được nghe những tình khúc mới qua giọng hát thô mộc của những ca sĩ mà tên tuổi còn rất xa lạ thậm chí còn chưa được đặt tên, thế nhưng những giọng hát trẻ đó với bao chất chứa, bao khát vọng đã làm cho người nghe quên đi những khiếm khuyết của chiếc micro rẻ tiền, của dàn âm thanh chất lượng ngang với loa phóng thanh. Và cũng chính từ những đêm nhạc ấy đã làm nên tên tuổi của những Thanh Lan, Lê Uyên,… để nhiều năm sau vẫn được khán giả yêu mến.
Riêng nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, các nhạc sĩ TRẺ còn lại chỉ được các đàn anh hoặc bạn bè hướng dẫn cơ bản vài ngón đàn, nốt nhạc nhưng với sự khao khát, tinh thần tự học, tự tìm tòi, họ đã đạt đến trình độ thẩm mỹ âm nhạc rất cao! Qua từng tác phẩm, từng chủ để âm nhạc được họ trình bày rất rõ nét, cấu trúc âm nhạc cân phương mang màu sắc cổ điển nhưng với trái tim của tuổi trẻ mang bao khát vọng, bao ước mơ cho nên nhiều lúc giai điệu nhạc của họ trở nên phóng túng, câu nhạc được mở rộng một cách ngẫu hứng rất phiêu lãng!
Cho dù học theo nhạc Pháp phương Tây nhưng mỗi tình khúc của những nhạc sĩ TRẺ này lại mang đậm nét nhạc Việt, từng lời hát vang lên thật rõ tiếng, từng ca từ được tác giả lựa chọn dùng rất chân xác, đặt đúng cao độ làm cho ta càng hiểu sâu thêm nghĩa từ tiếng Việt. Mỗi nhạc sĩ TRẺ đã để lại những dấu ấn riêng trong lòng người yêu nhạc, một Lê Uyên Phương đầy mê hoặc, một Vũ Thành An thiết tha quá, một Ngô Thụy Miên sầu man mác.
Đã hơn 50 năm qua, những tình khúc của các chàng nhạc sĩ TRẺ ngày ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều thế hệ người yêu nhạc; nhiều thế hệ ca sĩ đã tạo nên tên tuổi từ những tình khúc này trong tuyển tập:
TỪ GIỌNG HÁT EM chân dung những nhạc sĩ TRẺ Lê Uyên Phương – Vũ Thành An – Ngô Thụy Miên
Tuyển tập gồm 48 tình khúc của các nhạc sĩ viết trong giai đoạn từ 1959 đến 1974.
Mời bạn đón đọc.