Từ Điển Truyện Kiều:
Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta. Với Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể nói rằng ngôn ngữ văn học Việt Nam đã trải qua một cuộc thay đổi về chất và đã tỏ rõ khả năng biểu hiện đầy đủ và sâu sắc của nó. Nhằm đánh dấu bước tiến bộ vượt bậc ấy trong lịch sử của ngôn ngữ và của văn học, tác giả biên soạn quyển ” Từ điển truyện kiều này “.
Nguyễn Du đã sử dụng một cách tài tình những yếu tố dân gian của ngôn ngữ, những yếu tố văn học của ngôn ngữ dân gian gồm trong các tục ngữ phong dao, Nguyễn Du đã dân tộc hoá một cách tài tình những yếu tố văn học chữ Hán trước kia chỉ được sử dụng một cách dè dặt vụng về trong văn học chữ Nôm; do đó Nguyễn Du đã phát triển, hoàn chỉnh và thống nhất hai thành phần quan trọng của ngôn ngữ văn học Việt Nam, yếu tố văn học dân gian và yếu tố văn học chữ Hán, để tạo nên một ngôn ngữ văn học mới, dồi dào, uyển chuyển. Quyển từ điển này cố gắng phản ánh sự kiện quan trọng ấy của lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam.
Nội dung sách này thu thập tất cả những từ, thành ngữ và từ tổ được Nguyễn Du dùng trong Truyện Kiều. Nó sẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào tình hình tiếng Việt Nam ở khoảng đầu thế kỷ XIX và cấu tạo của tiếng Việt Nam hiện đại, đồng thời giúp chúng ta hiểu được những yếu tố nào đã do Nguyễn Du sáng tạo để làm giàu cho ngôn ngữ dân tộc. Sách này gồm tất cả những từ đơn, từ kép, những thành ngữ và tổ từ, những hình tượng và điển tích văn học, thỉnh thoảng có thêm những nhận xét về ngôn ngữ học, về tu từ học và về văn học. Sách này không phải là sách từ điển thông thường mà chủ yếu là từ điển về một tác phẩm, nhằm phục vụ sự nghiên cứu ngôn ngữ và văn chương của Nguyễn Du, cho nên nó không giải thích như các từ điển thông thường mà có những từ rất thông thường ai cũng hiểu thì nó không giải nghĩa, hoặc chỉ gợi ý để cho người ta nhận nghĩa mà thôi, đại khái thì nó chỉ chú trọng nêu lên những nghĩa do Nguyễn Du dùng trong tác phẩm, còn những nghĩa khác thì không nói đến……..
Mời các bạn đón đọc.