Con người đã gắn bó với cây cỏ trong quá trình hình thành và phát triển. Từ việc thu hái, lượm lặt các bộ phận của cây như quả, hạt, hoa, lá… làm thức ăn đến việc tận dụng cacs nguồn lợi của cây cỏ phụ vụ đời sống, con người đã không thể tồn tại và phát triển nếu thiếu cây cỏ và các sản phẩm từ cây cỏ. Những loài cây được dùng làm lương thực như lúa, lúa mì, ngô, sắn, khoai lang, khoai tây…, những loài cây dùng trong công nghiệp như bông, cao su, cà phê, chè, mía, đậu tương, lạc, cọ dầu, dâu tằm, thuốc lá… và rất nhiều cây gỗ, cây thuốc, cây cảnh… đã nuôi dưỡng con người và cho cuộc sống của con người ngày càng phong phú.
Tìm hiểu thiên nhiên, tìm hiểu sự đa dạng cảu thực vật nhằm tìm ra những nguồn tài nguyên mới phục vụ cho lợi ích của con người là công việc mà từ trước tới nay, nhiều nhà thực vật học và tài nguyên học đã tham gia. Cùng với thời gian, nhiều tư liệu mới đã được công bố làm giàu thêm cho vốn hiểu biết của con người trong việc khai thác nguồn lợi tự nhiên.
Ở nước ta, việc tập hợp những tri thức về các nguồn lợi cây lương thực thực phẩm, cây cho gỗ, cây thuốc… cũng đã được tiến hành. Các bậc tiền bối đã có những công trình viết bằng chữ Hán mà nhiều cuốn đã được dịch ra chữ quốc ngữ để con cháu tham khảo. Đến thời kỳ thuộc Pháp, việc tiếp thu sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng vào việc tìm tòi, nghiên cứu các loài cây có ích của Việt Nam và đã được giới thiệu trong nhiều công trình viết bằng tiếng Pháp. Nhưng chỉ từ sau Cách mạng tháng 8, và nhất là từ khi nước ta được hoàn toàn giải phóng, việc sưu tầm, nghiên cứu mới được tiến hành có hệ thống. Nhiều công trình viết về cây gỗ, cây thuốc, cây tinh dầu và dầu béo, cây lương thực và thực phẩm đã được xuất bản giúp cho mọi người hiểu được sự phong phú của nguồn lợi cây cỏ để sử dụng chúng.
Tuy nhiên, chưa có một công trình nào tập hợp nguồn lợi cây cỏ được biết cho đến nay một cách đầy đủ làm cơ sở cho việc nghiên cứu tiếp theo. Người học về thực vật và tìm hiểu về thực vật vẫ thiếu những tài liệu để hiểu biết các khái niệm, các tên cây và ý nghĩa của chúng, các họ cây, các chi với các loài thông dụng hiện có để hiểu biết sự đa dạng của chúng và sử dụng chúng một cách có ích nhất trong đời sống hằng ngày.
Sách gồm các nội dung sau:
Phần thứ nhất: Chỉ dẫn chung
Chương I: Từ vựng các thuật ngữ chính về Thực vật học.
Chương II: Luật và thuật ngữ của Danh pháp thực vật.
Tiết A: Cách gọi tên cây
Tiết B: Từ vựng Latinh – Việt tên các loài cây.
Tiết C: Tên tác giả.
Chương III: Hệ thống phân loại các nhóm Thực vật bậc cao.
Phần thứ hai: Bảng tra tổng quát Thực vật bậc cao thông dụng ở Việt Nam.
Các họ thực vật cùng và các chi với các loài trong từng chi được sắp xếp theo vần tên khoa học. Mỗi họ và mỗi chi đều có mô tả đặc điểm nhận viết. Các loài thông dụng trong từng chi được mô tả đặc điểm hình thái với những dẫn liệu về sinh thái, phân vố và công dụng chủ yếu.
Các thuật ngữ khoa học được ghi theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2000), các địa danh trong nước và nước ngoài được ghi theo Sổ tay địa danh Việt Nam và Sổ tay địa danh nước ngoài (Nhà xuất bản giáo dục, 1998).
Do số lượng các đề mục khá nhiều, nên sách được chia làm 2 tập: Tập I gồm phần Chỉ dẫn chung và Bảng tra các họ, chi cây từ vần A đến vần F. Tập II gồm phần còn lại từ vần G đến vần Z.
Mời bạn đón đọc.