Câu chuyện tựa như một tiếng thở dài đầy cảm thông. Giọng điệu dẫu chẳng thể nào vui nhộn trước một Trường hận ca, song cũng không đến nỗi não lòng khiến người ta vừa đọc vừa lã chã rơi nước mắt. Với lối dẫn dắt chậm rãi, đầu tiên, nhà văn nhẩn nha dẫn người đọc sải chân ngắm nhìn Thượng Hải trong nét đẹp trầm lắng như giấu bên trong bao uẩn khúc. Nào là những ngõ nhỏ bí ẩn, những chuyện đồn đại ngấm ngầm sinh sôi, những phòng khuê kín đáo không theo quy luật nhất định, những chú chim bồ câu lặng thầm chứng kiến mọi chuyện trong đôi mắt tinh tường…
Vương Kỳ Dao, cô gái Thượng Hải, là một người đẹp, đẹp đến kỳ lạ. Cái đẹp khiến bao người xung quanh phải ngẩn ngơ, tưởng gần mà hoá xa, thậm chí ống kính của ông đạo diễn tỏ ra bất lực, không thể nắm bắt nổi sắc đẹp đó. Vương Kỳ Dao còn là một cô gái thông minh. Cô đủ hiểu biết để sống khép mình, như thể cố che đậy phần nhan sắc hơn người ấy. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, cô biết chấp nhận và hoà mình vào cuộc sống như bao người bình thường khác.
Mối tình đầu dở dang đủ đường với một người đàn ông quyền cao, chức trọng như mở đầu cho đường tình duyên bất hạnh của Vương Kỳ Dao. Tiếp đó là chuyện tình của cô với một Cậu Hai ở Cầu Ô – yếu đuối tới nhu nhược; một chàng trai Khang Minh Tốn nửa vời, chịu đo ván trước quá khứ á hậu của người con gái mình đem lòng yêu thương; một chàng trai lai tưởng nhiệt thành sau rồi đã đang tâm chạy trốn; một cậu trai trẻ ngỡ can đảm đủ đường khi đem lòng yêu người phụ nữ hơn mình hai chục tuổi… Cuộc đời Vương Kỳ Dao cứ trôi dạt theo những cuộc tình bấp bênh, nửa mặn mòi, nửa nhạt nhẽo mà càng cố chấp nhận, càng gặp nhiều rủi ro. Duy có một người mà Vương Kỳ Dao không để cho anh tiến gần, dù chỉ một bước, đó là Trình. Dường như, thái độ chân thành của Trình, tình yêu tinh khiết gửi gắm trong những tấm ảnh đã khiến Vương Kỳ Dao dừng lại, không dấn bước thêm. Ngỡ rằng điều đó sẽ mang lại cho Trình triển vọng sáng sủa hơn, rốt cuộc, anh không tránh khỏi một cuộc đời nhuốm sắc vị đắng cay trong cô độc.
Nỗi buồn của Vương Kỳ Dao cứ vấn vít trong câu chữ của tiểu thuyết. Nước mắt đâu đây, nhưng như lặn thấm vào bên trong, vương vấn cùng số phận lẻ loi của một kiếp người. Nhưng chẳng ai đành lòng trách Vương Kỳ Dao, cho dù nàng có bao lần ngốc nghếch, dẫm chân lên những nỗi buồn giống nhau, bởi trong những sai lầm ấy chan chứa khát vọng chính đáng của một người đàn bà, muốn được sống, được yêu…
Vương An Ức là tác giả được đánh giá cao trên văn đàn Trung Quốc. Bà sinh năm 1954, người tỉnh Phúc Kiến, trong Cách mạng Văn hoá phải về lao động lâu dài ở nông thôn. Bà từng nhận giải thưởng toàn quốc dành cho truyện ngắn, truyện vừa. Tác phẩm Trường hận ca được nhận giải thưởng văn học Mao Thuẫn năm 2000, giải thưởng danh giá nhất của Hội nhà văn Trung Quốc dành cho tiểu thuyết. Đây được coi là một hiện tượng lúc bấy giờ, vì trước đó, các tác phẩm đoạt giải đều mang tính sử thi. Riêng Trường hận ca viết về cuộc sống đương đại, thể hiện số phận của một nhân vật nhỏ bé, cách rất xa tiêu chí sử thi đã được trao giải.
Một số nhận định về cuốn sách:
– “Hơn chục năm làm công tác biên tập, tôi đã đọc và biên tập hơn 200 tiểu thuyết, nhưng Trường hận ca đã để lại ấn tượng sâu sắc khó quên, đúng là một tác phẩm văn học xuất sắc”. (Dương Quỳ, nhà văn Trung Quốc)
– Vương An Ức được coi là nhà văn nữ có tầm nhìn rộng lớn, bao quát mọi mặt cuộc sống và đề tài văn học”. (Văn học sử Trung Quốc đương đại – Đại học Bắc Kinh)